Hướng dẫn mới bảo vệ người mua hàng trực tuyến

Công nghệ - Ngày đăng : 13:23, 26/12/2022

ASEAN đưa ra bộ hướng dẫn mới để bảo vệ người mua hàng trong các giao dịch thương mại điện tử, nhóm thường không có đầy đủ thông tin về sản phẩm và dễ bị gian lận.
Người mua hàng là nhóm chịu rủi ro trong các giao dịch trực tuyến, vì không nắm rõ thông tin sản phẩm và có thể bị chi phối bởi các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: theconversation.

ASEAN là khu vực được đánh giá có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất hiện nay, với tổng doanh thu gần 200 tỷ USD vào năm 2022, và ước tính sẽ đạt mức 330 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 do Google và Temaseak thực hiện.

Trong 2 năm qua, các nền tảng mua sắm trực tuyến có chỗ đứng vững chắc hơn nữa so với trước đây tại các nước trong khu vực ASEAN, do các biện pháp cách ly và hạn chế tiếp xúc trong đại dịch Covid-19. Và đến nay, khi hoạt động mua sắm trực tiếp được nối lại, xu hướng mua sắm qua mạng xã hội của người tiêu dùng trong khu vực vẫn tạo thành nguồn doanh thu đáng kể và là kênh bán hàng chính cho nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế hơn trong các giao dịch trực tuyến, và cần có các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn, quản lý trách nhiệm kinh doanh và cơ chế xử lý đối với các hành vi thiếu trách nhiệm hay gian lận của người bán hàng trực tuyến, theo đánh giá của các nước ASEAN về ngành thương mại điện tử.

Vì vậy các nước ASEAN đã thảo luận xây dựng Bộ hướng dẫn Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, với các nguyên tắc cơ bản bao gồm đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin cho tất cả người mua, minh bạch thông tin sản phẩm.

Các doanh nghiệp, website và nền tảng thương mại điện tử được yêu cầu đảm bảo quyền lựa chọn của người mua thông qua thiết kế giao diện và hạ tầng cho phép lựa chọn, tránh gây ảnh hưởng hoặc tác động tới quyết định mua hàng thông qua cách thức hiển thị thông tin, hình ảnh, sản phẩm.

Người bán hàng cũng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về hiển thị thông tin, cung cấp thông tin sản phẩm cho người mua hàng, tránh việc cung cấp thông tin mập mờ, dễ gây hiểu lầm.

Bên bán có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng và nghĩa vụ giải quyết tranh chấp, theo Bộ hướng dẫn mới.

Các chuyên gia xây dựng hướng dẫn của ASEAN khuyến nghị các cơ quan chức năng về bảo vệ người tiêu dùng cần tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng Internet, để có thể khắc phục và xử lý khi xảy ra vi phạm nguyên tắc thương mại điện tử trong khu vực và pháp luật trong nước.

Ngoài ra, hướng dẫn mới cũng khuyến nghị các bên cần hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phổ biến hơn.