NÓI THẲNG: Ngành xăng dầu lắm chuyện “thâm cung”, cần đại phẫu gấp!
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:11, 26/12/2022
"Còn tồn tại thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng dầu trong quý I và quý II/2021. Tuy nhiên, năm 2021, công ty vẫn nhập khẩu đủ sản lượng tối thiểu theo quy định".
"Một số thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng hoặc nhập khẩu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công Thương phân giao".
"Một số đại lý, thương nhân nhượng quyền có ký kết hợp đồng với thương nhân đầu mối nhưng không mua hàng hoặc mua với sản lượng ít, chỉ mua hàng tại một số thời điểm trong năm".
"Qua kiểm tra thực tế một thương nhân,... tồn kho xăng dầu tại một số thời điểm thấp hơn mức quy định, chưa bảo đảm mức dự trữ quốc gia tại kho tuyến sau nhưng lượng tổng tồn sổ sách tại cùng thời điểm của các kho cao hơn quy định"...
Những vi phạm được Thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra như trên không gây bất ngờ bởi thời gian qua, dư luận đã đặt nghi vấn về việc thị trường xăng dầu thật sự thiếu nguồn cung hay do doanh nghiệp, đại lý cố ý găm hàng, ngừng bán? Tình trạng thương nhân, đại lý không chấp hành quy định về nhập hàng, tồn kho chỉ mới xuất hiện gần đây hay đã tồn tại từ lâu và bộc lộ rõ khi có diễn biến bất ngờ trên thị trường thế giới cùng biến động lớn về nhu cầu nội địa?
Trong khi hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng thì cuộc sống của người dân ở các đô thị không ít thời điểm đã bị đảo lộn. Họ phải rồng rắn xếp hàng dài chờ đổ xăng dù nửa đêm hay sáng sớm - hình ảnh khó tin trong thời điểm phát triển nền kinh tế số. Ở góc độ vĩ mô, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến mục tiêu hồi phục và phát triển sau dịch COVID-19.
Với những vi phạm được Thanh tra Bộ Công Thương chỉ rõ, chắc chắn sẽ có thương nhân đầu mối và đại lý xăng dầu bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời phải khắc phục những vi phạm, sai sót, tồn tại. Chẳng hạn, thương nhân không có hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian một quý sẽ bị rút giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Tuy nhiên, không ít vi phạm sẽ chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ nhàng. Chưa kể, với một số vi phạm được kết luận là do "quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến cách hiểu khác nhau", doanh nghiệp dù vô tình mắc lỗi hay cố ý lách luật cũng sẽ "thoát nạn" ngoạn mục. Còn những thiệt hại khó có thể bù đắp mà người dân và nền kinh tế phải gánh chịu trong thời gian qua thì đến nay vẫn chưa rõ địa chỉ trách nhiệm!?
Ngành xăng dầu đang tồn tại nhiều vấn đề lớn cần cấp bách xử lý trên bình diện tổng thể, trong đó quản lý nguồn cung chỉ là một nội dung. Xây dựng công thức giá xăng dầu vừa bảo đảm hài hoà lợi ích các bên vừa tiệm cận thị trường là một bài toán hóc búa.
Chi phí định mức, hoa hồng cho đại lý... cần được tính toán ra sao để không gây áp lực lên giá bán lẻ song cũng không khiến người kinh doanh bị thiệt thòi? Bởi lẽ, công bằng mà nói, tình trạng nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu ngừng bán hàng có nguyên nhân trực tiếp từ việc bị cắt giảm chiết khấu, càng kinh doanh càng lỗ.
Sứ mệnh của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã đến lúc cần chấm dứt chưa? Chu kỳ điều hành giá có nên tiếp tục rút ngắn? Đại lý xăng dầu có được chủ động, linh hoạt lấy hàng từ nhiều nguồn thay vì phải mua của thương nhân đã ký kết? Và còn hàng loạt vấn đề khác...
Cần một cuộc "đại phẫu" ngành xăng dầu! Sẵn sàng sửa đổi, bãi bỏ những quy định chưa rõ ràng; mạnh dạn xây dựng cơ chế, chính sách mới đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và bám sát tín hiệu thị trường; tăng mạnh mức xử phạt hành chính; phá vỡ thế độc quyền nhóm và công khai, minh bạch hơn nữa...
Chỉ khi "đại phẫu" thành công, mối nguy mất an ninh năng lượng mới có thể được giải tỏa từ gốc.