Tráng, quạt hơn 1.000 bánh đa mỗi ngày vẫn không đủ hàng bán Tết
Bất động sản - Ngày đăng : 12:24, 25/12/2022
Nằm nép mình bên bờ sông Chu, làng Đắc Châu, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã nổi tiếng có nghề làm bánh đa với truyền thống hàng trăm năm tuổi. Đến làng Đắc Châu, từ bờ đê sông Chu đến các ngõ ngách, bờ ao... không khó để bắt gặp hình ảnh người dân phơi bánh đa.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, chúng tôi về làng Đắc Châu, đâu đâu cũng ngập tràn không khí hối hả của người dân đang tráng bánh đa để bán ra thị trường. Đây là vụ sản xuất chính trong năm, vì vậy người dân ở làng nghề bánh đa Đắc Châu hoạt động hết công suất.
Đã có nhiều năm làm bánh đa, mỗi dịp Tết đến, gia đình chị Nguyễn Thị Lan thường dậy sớm để tráng bánh cho kịp các đơn hàng phục vụ khách.
"Ngày thường chúng tôi vẫn tráng bánh, nhưng số lượng ít hơn. Những ngày giáp Tết thì số lượng nhiều hơn, có hôm một người có thể tráng được từ 1.000 đến 1.500 bánh đa nhưng không đủ hàng bán vào dịp Tết. Nghề làm bánh đa phải thực sự chịu khó, công việc thường bắt đầu từ sáng sớm cho đến tận đầu giờ chiều mới nghỉ. Nhiều lúc thương lái đặt hàng gấp gia đình tôi phải thuê thêm người làm", chị Lan chia sẻ.
Bánh đa làng Đắc Châu vốn nổi tiếng thơm, ngon và giòn. Để tạo nên tấm bánh đa ngon đòi hỏi người làm bánh phải có kinh nghiệm từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn tráng bánh. Nguyên liệu chính để làm bánh đa bao gồm gạo tẻ và vừng. Gạo để làm bánh thường dùng là loại ít dẻo, sau khi lấy về được đem đi ngâm nước khoảng 30 phút đến 1 giờ, sau đó vớt ra rồi xay thành bột gạo nước. Bột gạo được đưa vào nồi tráng thành bánh. Đây là công đoạn quan trọng, bột phải được dàn đều để bánh có độ dày vừa phải.
Khi bột đã chín là công đoạn rắc vừng lên trên mặt bánh. Các công đoạn đều phải làm nhanh, đều tay. Bánh đa làng Đắc Châu sử dụng rất nhiều vừng, chính vì vậy có mùi thơm và bùi hơn ở nơi khác.
Theo những người làm bánh, thời tiết là điều kiện rất quan trọng khi làm bánh. Thông thường, họ sẽ xem những ngày nắng đẹp để làm bánh đa. Với trời nắng to, mỗi chiếc bánh được phơi khoảng 4 đến 5 tiếng, trời âm u phải mất từ 7 đến 8 tiếng đồng hồ. Bánh không được phơi quá nắng để tránh bị khô, giòn và dễ vỡ.
Những năm trở lại đây, khi công nghệ sấy bánh được áp dụng, công đoạn phơi bánh cũng đỡ vất vả. Tuy nhiên, người dân vẫn ưu tiên phơi bánh dưới nắng tự nhiên, chỉ sấy bánh vào những ngày mưa.
Bánh đa thành phẩm được mang phơi trên giá làm từ tre đan thủ công.
Cuối cùng là công đoạn nướng bánh bằng bếp than. Mỗi chiếc bánh sau khi nướng có giá bán từ 7.000 đến 10.000 đồng (tùy vào loại dày hay mỏng, to hay nhỏ). Bánh đa chưa nướng có giá bán từ 5.000 đến 7.000 đồng.
Ngoài làm bánh đa, nhiều hộ dân ở xã Tân Châu còn làm bánh đa nem phục vụ thị trường. Theo UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, toàn xã có khoảng 200 hộ dân làm bánh đa, bánh đa nem. Làng nghề truyền thống đã có hơn 100 năm. Nhờ làm bánh mà người dân địa phương có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.