Elon Musk và nhiệm vụ bất khả thi
Cuộc sống số - Ngày đăng : 14:17, 24/12/2022
Cuối tháng 10, người giàu nhất hành tinh hoàn tất thương vụ 44 tỷ USD mua lại công ty truyền thông xã hội Twitter, trước khi sa thải toàn bộ ban lãnh đạo cũ và tự bổ nhiệm giữ chức Giám đốc điều hành “Chim xanh”.
Giới phân tích nhận định, việc “chấn hưng” nền tảng xã hội phổ biến này khác xa với quản lý những công ty kỹ thuật mà Musk sáng lập trước đây như Tesla hay SpaceX, không chỉ bởi các yếu tố đặc thù doanh nghiệp, mà còn do tính cách “không giống ai” của vị tỷ phú này. Một lần nữa, Elon Musk đứng trước nhiệm vụ mà nhiều người tin rằng ông sẽ không thành công.
“Đập chuột, bể bình”
“Tôi rất hào hứng với Twitter khi nền tảng này có tiềm năng khổng lồ, nhưng đã ì ạch trong một thời gian dài”, Musk từng nói về triển vọng công ty mạng xã hội, báo hiệu những sự thay đổi lớn là tất yếu với “Chim xanh”. Thế nhưng, thay đổi thế nào để không để mọi thứ trở nên hỗn loạn, lại là một bài toán khác.
Tính đến trước thời điểm IPO vào năm 2013, Twitter chỉ có khoảng 2.000 nhân viên. Đến cuối năm 2021, nhân sự toàn thời gian của công ty đạt mức 7.500 người. Mỗi sự thay đổi mà người đứng đầu “Chim xanh” đưa ra đều tác động đến hàng ngàn người cùng gia đình của họ, cũng như các mối quan hệ đối tác lâu năm của công ty. “Đập chuột, bể bình” là nguy cơ hiện hữu khi nhiều sự cách tân lớn được đưa ra cùng lúc với một doanh nghiệp quy mô không nhỏ như Twitter.
Tỷ phú người Mỹ nóng lòng tạo ra sự thay đổi lớn cho công ty trụ sở San Francisco, khi chỉ trong 1 thời gian ngắn đã đưa ra nhiều quyết sách lớn chẳng hạn như sa thải hầu hết lãnh đạo cấp cao, bãi bỏ chế độ làm việc từ xa, thức ăn miễn phí cùng các phúc lợi khác tại văn phòng.
Hơn 50% nhân viên tại đây đã mất việc cùng một loạt lãnh đạo điều hành cũng tự nộp đơn xin nghỉ như Giám đốc quyền riêng tư Damien Kieran, Giám đốc An toàn thông tin Lea Kissner, Giám đốc tuân thủ Marianne Fogarty. Nhóm truyền thông nội bộ thậm chí bị xoá bỏ, cho thấy quyết tâm thay đổi công ty từ trong gốc rễ.
Tư duy “nguyên tắc là trên hết” giúp Elon Musk từng làm được nhiều điều mà người khác cho là không thể. Phẩm chất này có thể giúp CEO Tesla tạo ra được nhiều sản phẩm mới trong lĩnh vực tên lửa hay xe điện, nhưng điều hành nền tảng mạng xã hội lại yêu cầu khả năng ngoại giao khôn lanh và linh hoạt, nhằm cân bằng lợi ích tất cả các bên, từ nhà quảng cáo, người tiêu dùng, cho đến cơ quan quản lý hay các chính trị gia.
Mark Zuckerberg, “cha đẻ” Facebook từng so sánh trải nghiệm điều hành một mạng xã hội khổng lồ giống như việc “bị đấm vào bụng” mỗi sáng thức dậy. Trong khi đó, cách hành xử của Musk trên Twitter có thể là đòn giáng vào những nhà quảng cáo, những người luôn tin rằng hành vi của người đứng đầu mạng xã hội sẽ phản ánh cách mà những người khác được phép hành xử trên nền tảng.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Các nhà phát triển đối tác của Twitter trong nhiều năm tin rằng nền tảng này hoàn toàn có khả năng gia tăng doanh thu đáng kể, nếu ban lãnh đạo mới suy nghĩ thấu đáo về các sản phẩm mới và kiên trì với cơ hội mà họ đang theo đuổi. Tracy Chou, CEO Block Party, công ty cung cấp dịch vụ lọc trang tin cho người dùng Twitter, đánh giá “mạng xã hội này có thể tăng gấp 5 lần quy mô và doanh thu, nhưng họ cần phải thực hiện một cách thông minh”.
“Khi chúng ta nhìn vào cơ hội này, có nhiều thứ của Twitter có thể cải thiện phục để vụ người dùng, cả với các sản phẩm và cách thức kiếm tiền từ nền tảng”, Roelof Botha, Giám đốc Sequoia Capital, quỹ đầu tư đóng góp 800 triệu USD vào thương vụ của Musk, cho hay.
Trong khi đó, Turner Novak, một nhà đầu tư mạo hiểm khác không tham gia vào thương vụ bạc tỷ, bày tỏ lạc quan về tương lai của công ty dưới sự dẫn dắt của Musk, nhưng cho biết số liệu ở thời điểm hiện tại lại không ủng hộ CEO Tesla cũng như các nhà đầu tư khác.
Trước hết, thoả thuận này khiến Twitter có sự thâm hụt tài chính đáng kể khi một phần chi phí thương vụ được tính vào bảng nợ của công ty. Tỷ phú người Mỹ đồng ý hoàn tất thương vụ theo giá đề nghị 54,20 USD/cổ phần vào tháng 4 năm nay, nhưng kể từ đó thị trường chứng khoán liên tục đi xuống, đặc biệt là cổ phiếu các công ty truyền thông xã hội.
Lãi suất của các khoản vay hỗ trợ thoả thuận sẽ đè nặng biên lợi nhuận công ty, và trong trường hợp xấu nhất, “Twitter sẽ trở thành một công ty trì trệ gánh trên lưng hàng tấn nợ” - Novak, dự báo.
Những thành công trước đây của Musk chủ yếu liên quan các định luật vật lý và khoa học tự nhiên, còn điều hành mạng lưới xã hội lại thiên về quản lý con người, đối tượng có hành vi phức tạp và khó dự đoán hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, như việc kiểm duyệt nội dung, điều mà Musk kêu gọi thay đổi tại “Chim xanh”. Ngay trong tuần đầu tiên, CEO Tesla đã phải đối mặt với sự phức tạp của vấn đề. Trước sự phản ứng dữ dội của các nhà quảng cáo (nguồn thu chính của Twitter) và nhiều tổ chức vận động, các bình luận gần đây của Musk cho thấy ông khó có thể thay đổi nhiều về kiểm duyệt nội dung như từng hứa.
Tiếp đến, việc thu phí tick xanh người dùng cũng khiến công ty liên tục thay đổi chính sách. Với mức phí 7,99 USD/tháng, hàng loạt tài khoản mới tạo có thể dễ dàng đóng giả người của công chúng hay các thương hiệu lớn, dẫn đến việc Twitter phải tạm dừng dịch vụ này chỉ chưa đầy 1 tuần ra mắt.
Ngay cả trong trường hợp dịch vụ thuê bao xác thực của Musk có doanh thu, thì nó cũng khó tạo ra sự khác biệt rõ ràng. Cụ thể, chỉ khoảng 1% người dùng trong tổng số 240 triệu người dùng hàng ngày của Twitter dự định trả phí dịch vụ, tương đương mức doanh thu 230 triệu USD mỗi năm, con số này còn chưa bằng 5% doanh thu công ty trong 2021 (5 tỷ USD) với 90% đến từ quảng cáo.
Trong kịch bản khả quan nhất, nếu Twitter nâng được mức người dùng cơ sở tăng gấp 4 lần, tương đương khoảng 1 tỷ người dùng hàng ngày, và 5% trong số đó chấp nhận trả phí dịch vụ, thì doanh thu là 4,8 tỷ USD/năm, một cú hích lớn với nền tảng mạng xã hội này. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của mạng xã hội cho thấy chưa 1 công ty nào có thể đạt được quy mô với dịch vụ trả phí như vậy.
Thế Vinh