Nghệ sĩ Việt bê bối đời tư, sống lệch chuẩn cần mạnh tay "cấm sóng"!
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:17, 24/12/2022
Theo đó, tại cuộc họp cuối năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật như ca sĩ, nghệ sĩ.
Theo bà Huyền, nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức thì sẽ bị "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm biểu diễn". Nghĩa là, hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng trên các đài phát thanh truyền hình, hạn chế đăng tải thông tin trên môi trường mạng, được hiểu là "phong sát".
Chia sẻ với PVDân trí, nhà văn Y Ban - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, bà ủng hộ việc cấm biểu diễn, cấm sóng đối với các nghệ sĩ dính scandal, nhưng phải đưa ra một quy định chuẩn, cụ thể thì đề xuất này mới khả quan được.
"Chúng ta phải có những quy cụ thể, thế nào là vi phạm đạo đức, dính scandal? Cụ thể là vi phạm thế nào, những điều gì thì mới dựa vào đó mà xử lý được. Nếu một người nào đó vi phạm pháp luật, bị kết án hoặc các cơ quan chức năng xử lý hành chính thì rất rõ ràng, việc cấm sóng, hạn chế là đương nhiên. Còn không cụ thể sẽ rất cảm tính, kiểu như, tôi ghét một người nào đó, thì tôi nói người đó vi phạm mà cấm sóng thì sao?
Nếu như vậy sẽ làm thui chột các tài năng, đẩy một số người vào "ngõ cụt". Chúng ta thử xem, giờ có còn nhiều nghệ sĩ "sống chết" với nghề đâu, nên đưa đề xuất ra thì dễ mà thực hiện lại rất khó", nhà ăn Y Ban nói.
Thời gian qua, nghệ sĩ tham gia quảng cáo hay nói quá, từ thiện dính ồn ào, đời tư lùm xùm… rất nhiều, nữ nhà văn cũng cho rằng nếu cụ thể hóa được đề xuất này sẽ hạn chế những chuyện như trên. Quy định này sẽ như một cái vòng "kim cô" xiết hoạt động của nghệ sĩ vào khuôn khổ.
Khi được hỏi: Có phải khán giả ở Việt Nam cũng dễ bỏ qua những sai lầm của nghệ sĩ nên nhiều người vi phạm vẫn "vô tư" lên sóng thời gian qua không?
Nhà văn Y Ban cho hay không nên đổ lỗi cho khán giả, dư luận. Cũng có một bộ phận người dân thích xem truyền hình, có những khán giả khác họ xem phim, giải trí ở các nền tảng khác. Ở đâu thì nghệ sĩ, ê kíp sản xuất cũng phải làm việc nghiêm túc, tử tế thì mới có khán giả.
"Có nghệ sĩ hôm nay thì nổi tiếng ở truyền hình, ngày mai đã được các trang khác ghi là 'nghi phạm', dính các scandal nên mọi thứ, các đánh giá cũng mong manh lắm", nhà văn Y Ban nói.
Nói về việc đề xuất nghệ sĩ cấm sóng nếu vi phạm, NSND Quốc Anh cho biết, đáng lẽ đề xuất này phải được thực hiện từ lâu rồi, vì nếu nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nổi tiếng mà vi phạm thì nói không ai nghe và sẽ bị khán giả "cười chê".
"Tôi cũng biết một số nghệ sĩ hay đóng quảng cáo 'tâng bốc', rồi lên mạng xã hội muốn nói gì cũng được. Bản thân Quốc Anh không bao giờ nhận quảng cáo bừa bãi. Quảng cáo duy nhất mà tôi nhận là của một công ty phân bón. Có rất nhiều thương hiệu thuốc mời nhưng tôi không nhận, vì tôi không biết chất lượng của họ thế nào. Thậm chí, khi họ đưa giấy chứng nhận sản phẩm tôi cũng không biết được có phải là giấy thật hay giả", NSND Quốc Anh thẳng thắn.
NSND Quốc Anh biết thêm, nghệ sĩ, trước hết cũng là một công dân, họ phải tuân thủ và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nghệ sĩ, người làm nghệ thuật cũng bình đẳng trước mọi nghề nghiệp trong xã hội.
"Facebook tôi cũng có nhưng tôi không dùng mạng xã hội để kiếm tiền, quảng cáo sản phẩm.
Tôi có tuổi rồi nên không ham hố tiền bạc, không tham lam kiểu vậy. Thế giới phẳng thì các thông tin sẽ nhanh nhạy hơn, nhưng không thể cho cả con gà còn cả lông vào luộc, không thể dạy các cháu nhỏ ăn trộm tiền từ lợn đất… như các clip trôi nổi thời gian qua được… tất cả những cái đó phải có kiểm soát, và nếu ai sai phạm thì phải xử lý", NSND Quốc Anh thẳng thắn.
Nam nghệ sĩ này cũng cho rằng, nghệ sĩ là người ảnh hưởng nhiều tới khán giả, thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ "khủng hoảng" về văn hóa, như có một số người chưa có những hành xử đúng mực, bị nhiều người chỉ trích. Vì thế, việc đề xuất cấm sóng là cần thiết. Phải có một chế tài đủ mạnh để nghệ sĩ phải tuân thủ theo.
"Người nghệ sĩ có nhiều đặc ân, vì độ bao phủ lớn, được nhiều người yêu mến vì thế hãy sống đúng luật. Vì nổi tiếng họ cũng có nhiều ưu ái, nhưng đừng vì thế mà "dễ dãi", NSND Quốc Anh thẳng thắn.
Ca sĩ Nathan Lee thì cho hay, anh ủng hộ việc đề xuất cấm sóng với các nghệ sĩ dính ồn ào, tuy nhiên các đề xuất này cần có những quy định cụ thể. Ở các nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc thì việc "phong sát" này diễn ra rất mạnh mẽ và có đồng thuận của khán giả.
"Khán giả Việt vẫn rộng lượng, vẫn là quan điểm "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", có nhiều sự việc ồn ào xảy ra nhưng nhiều người hay quên. Một thời gian sau nghệ sĩ lại lên sóng.
Nên nhiều người nghĩ làm thế là đúng, vì có ai nhắc nhở đâu? Đề xuất này sẽ làm họ hoạt động nghệ thuật nghiêm túc với nghề hơn", Nathan Lee chia sẻ.
Đạo diễn Quang Minh nói về việc "phong sát" nghệ sĩ vi phạm đạo đức: "Nếu trong bóng đá, cầu thủ vi phạm thì bị phạt thẻ vàng, thẻ đỏ thì nghệ sĩ vi phạm quy tắc nghề nghiệp cũng nên bị tuýt còi, cấm sóng. Đề xuất này sẽ như thẻ đỏ khiến cho các nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm chỉnh hơn. Nếu ai lệch khỏi "đường ray" thì sẽ bị xử lý thôi. Tôi và các nghệ sĩ chân chính ủng hộ đề xuất này".