Facebook bỏ 725 triệu USD dàn xếp bê bối Cambridge Analytica

Cuộc sống số - Ngày đăng : 10:14, 24/12/2022

Meta đồng ý trả 725 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tập thể chống lại mạng xã hội vì cho phép bên thứ ba, bao gồm Cambridge Analytica, truy cập thông tin cá nhân người dùng.

Thỏa thuận dàn xếp sẽ khép lại vụ kiện kéo dài, xuất phát từ những tiết lộ năm 2018 về việc Facebook cho phép hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica truy cập dữ liệu 87 triệu người dùng.

Theo các luật sư của nguyên đơn, đây là thỏa thuận lớn nhất từng đạt được trong một vụ kiện tập thể về dữ liệu tại Mỹ, và cũng là số tiền lớn nhất mà Meta từng phải trả để giải quyết một vụ kiện tập thể.

Bê bối Cambridge Analytica của Facebook diễn ra vào năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Như một phần trong thỏa thuận, Meta không thừa nhận làm sai. Thỏa thuận vẫn cần sự phê duyệt của thẩm phán liên bang tại San Francisco. Trong một tuyên bố, mạng xã hội gọi vụ dàn xếp là “vì lợi ích tốt nhất của cổ đông và cộng đồng”, đồng thời chỉ ra đã thay đổi cách tiếp cận với quyền riêng tư và bổ sung chương trình bảo mật toàn diện trong 3 năm qua.

Cambridge Analytica làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump năm 2016. Công ty, nay đã giải thể, được truy cập thông tin cá nhân của hàng chục triệu tài khoản Facebook với mục đích lập hồ sơ và nhắm vào cử tri. Hãng thu thập thông tin này từ một nhà nghiên cứu ứng dụng mà không có sự cho phép của người dùng.

Bê bối Cambridge Analytica đã châm ngòi cho các cuộc điều tra của chính phủ vào hoạt động quyền riêng tư của Facebook, những vụ kiện và một phiên điều trần trước Quốc hội, nơi CEO Mark Zuckerberg bị các nhà lập pháp “xoay” bằng hàng loạt câu hỏi.

Năm 2019, Facebook đồng ý trả 5 tỷ USD để giải quyết vụ điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và 100 triệu USD dàn xếp cáo buộc của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC). Các cuộc điều tra của các Tổng chưởng lý bang vẫn đang tiến hành. Ngoài ra, Facebook còn đang bị Tổng chưởng lý Washington D.C. kiện.

Trong đơn kiện tập thể nói trên, nguyên đơn tố cáo Facebook vi phạm nhiều luật bang và liên bang khi cho phép các nhà phát triển ứng dụng và đối tác kinh doanh khai thác dữ liệu cá nhân của họ mà không có sự đồng ý. Luật sư của nguyên đơn tranh luận Facebook đã đánh lừa để họ nghĩ rằng có thể nắm quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân, trong khi thực tế lại cho hàng ngàn người bên ngoài có quyền truy cập.

Facebook lập luận người dùng không có lợi ích bảo mật hợp pháp với thông tin mà họ chia sẻ cùng bạn bè trên mạng xã hội. Song Thẩm phán Vince Chhabria gọi quan điểm đó là “sai trái” và năm 2019 cho vụ kiện tiếp tục.

(Theo Reuters)