Kỷ lục gia vỏ trứng "chế" ông già Noel khiến người xem không thể rời mắt
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 14:30, 23/12/2022
Giáng sinh thu nhỏ qua những quả trứng
10h sáng, rảo một vòng chợ trên địa bàn quận Gò Vấp, ông Nguyễn Thành Tâm (72 tuổi) trở về nhà sau khi mua đủ nguyên liệu làm mô hình Noel. Hơn 1 tháng qua, người đàn ông này đã lên kế hoạch hoàn thành mô hình Giáng sinh từ vỏ trứng, để học trò có cảm giác đón ngày lễ sớm hơn.
Dù đã về hưu nhưng ông Tâm vẫn khá bận rộn dạy thêm môn Anh văn cho các em nhỏ. Ngoài giờ "lên lớp", ông sẽ dành thời gian ngồi mày mò "thổi" trứng.
Đến Giáng sinh năm nay, ông Tâm đã thiết kế được hơn 50 mẫu ông già Noel, tuần lộc, người tuyết, cây thông,… Để độc đáo hơn, người đàn ông còn sáng tạo thêm kính chắn giọt bắn, khẩu trang cho ông già Noel, kèm theo những lời chúc ý nghĩa.
"Mặc dù dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát nhưng một số nước trên thế giới vẫn còn phức tạp. Tôi thiết kế ông già Noel đeo kính là để nhắc nhở mọi người đề phòng dịch bệnh. Ngoài ra, miệng túi quà của ông còn có hình trái tim, tượng trưng cho sự yêu thương", ông Tâm nói.
Ông Tâm thường dùng trứng gà, vịt, chim cút và thậm chí là trứng đà điểu, chim se sẻ,… để tạo hình.
Để tạo ra một mô hình hoàn chỉnh, ông Tâm phải mất từ 2-3 tiếng, tùy thuộc vào độ chi tiết của tác phẩm. Trước hết, ông sẽ chọn những quả trứng tròn, có hình dáng cân đối và có thể dựng đứng thẳng được. Sau khi đem về nhà, ông Tâm sẽ rửa sạch bằng chanh để vỏ trứng chuyển thành màu trắng sáng, bóng loáng.
Tiếp đó, ông Tâm chọc hai đầu quả trứng, dùng sức thổi để tách ruột trứng. Ông đem vỏ trứng mới "thổi" đem đi phơi khô để không bị hư hỏng trong quá trình trưng bày.
Ông nghiên cứu dùng đất sét làm hoa để gắn những bộ phận của mô hình, rồi mới phun sơn và trang trí. Người đàn ông còn sử dụng một số phụ kiện khác như dây kẽm, bông gòn, ống hút, đèn LED,… để mô hình trở nên sinh động hơn.
Mỗi công đoạn cần phải được thực hiện tỉ mỉ. Bởi, trứng cút nếu không may làm nứt thì còn tìm cách khắc phục, còn trứng gà, trứng vịt thì phải vứt đi. Mỗi khi tạo hình, dù trời nóng, mồ hôi nhễ nhại, ông Tâm nhất quyết không mở quạt vì sợ mô hình quá nhẹ, bị thổi bay.
Trong đó, khó nhất là tạo hình 2 quả trứng ghép vào nhau sao cho cân xứng. Sơn màu, vẽ mắt, râu,… vì nó tạo nên cái hồn của mô hình.
Từ sự đam mê, ông Tâm tự tạo cảm hứng sáng tác qua những lúc nghiên cứu sách, báo. Ông còn tỉ mỉ tạo hình những khung cảnh có thể truyền tải câu chuyện liên quan đến Giáng sinh cho người trẻ.
Kỷ lục gia về… trứng
Năm 2011, ông Nguyễn Thành Tâm được trao kỷ lục "Người tạo hình bằng vỏ trứng nhiều nhất" với số lượng hơn 1.000 sản phẩm (do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập năm 2010).
Người đàn ông chia sẻ, cảm hứng này xuất phát trong lúc ông dạy học cho những trẻ em gần nhà. Bằng phương pháp "giáo cụ trực quan", ông chế tạo linh vật bằng vỏ trứng nhằm dạy được những từ vựng liên quan đến Giáng sinh. Thấy tiết học sinh động, học sinh dễ nhớ bài, ông tiếp tục làm thêm nhiều mô hình khác.
"Lúc đó tôi mới nhận ra đây cũng có thể trở thành một thú vui tiêu khiển. Chỉ cần ngồi ở nhà, không cần chi quá nhiều tiền mà có thể thư giãn với môn nghệ thuật thủ công này", ông Tâm nói.
Từ tháng 6/2013, ông Tâm đã miệt mài sáng tạo rất nhiều mô hình, lấy cảm hứng từ đời sống thường ngày. Trong đó, có bộ sưu tập 12 con giáp độc đáo, được ông đem ra trưng bày mỗi dịp Tết đến.
"Tôi yêu môn nghệ thuật này và rất mong có thể lan tỏa sự tích cực đến với mọi người. Nhờ nghiên cứu, tạo tác, tôi cảm thấy cuộc sống còn nhiều điều vui, không bao giờ thấy nhàm chán", ông Tâm cười, nói.
Thời gian đầu, vợ ông phản đối vì thấy tốn thời gian, tiền bạc. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, không chỉ vợ, con gái của ông Tâm cũng thỉnh thoảng tham gia sáng tạo trên vỏ trứng. Nhiều người đến thấy đẹp thì hỏi mua, ông Tâm nhất quyết không bán mà chỉ trưng bày.
Trước đây, ông Tâm tốt nghiệp trường âm nhạc và đi dạy ở trường THPT Marie Curie vào năm 1975. Hơn một thập kỷ trôi qua, ông phải bỏ nghề vì lương "ba cọc ba đồng", chỉ với 50.000 đồng/tháng khiến ông không thể xoay sở sinh hoạt.
Năm 1990, khi con tàu Four Seasons Barrier Reef Resort cập bến Bạch Đằng, ông xin một chân làm nhân sự trên đó để kiếm sống. Làm việc với người nước ngoài giúp ông Tâm có cơ hội trau dồi khả năng ngôn ngữ lưu loát. Đến năm 1999, con tàu rời TPHCM để đến nơi khách nên người giáo "già" quay lại nghề chính của mình.
Lập gia đình xong, với vốn tiếng Anh tự có, ông học hỏi và phát triển nó hơn rồi bắt đầu dạy cho những người cùng xóm. Lúc đầu, chỉ có vài học trò cắp sách đến gặp ông Tâm. Nhưng với tình thương, kèm theo nét mặt vui tươi, lúc nào cũng sôi nổi, ông Tâm thu hút được nhiều người đến học hơn.
Lớp học mở ra với các học sinh từ 7 tuổi đến hơn 70 tuổi. Dù ở "lứa" nào, ông Tâm vẫn cần mẫn, cầm tay chỉ từng con chữ. Bởi ông quan niệm, nếu biết được ngôn ngữ thứ hai, sẽ giúp người ta có cuộc sống tốt hơn.