Nghề "đặc biệt" rửa ráy, khâm liệm cho thi thể tử vong vì HIV/AIDS
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:50, 23/12/2022
Ông Hòa (58 tuổi) làm việc tại nhà đại thể khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện 09 (đường 70, Tân Triều, Hà Nội) cho biết, 18 năm qua ông đã rửa ráy, thay quần áo, khâm liệm cho gần 700 thi thể tử vong vì HIV/AIDS.
Theo ông, khi bệnh nhân bị AIDS tử vong, công tác đầu tiên của bệnh viện là báo với gia đình rồi tiến hành các thủ tục khâm liệm.
Đối với người mất mà không có gia đình thì bên phía nhà tang lễ, sau khi hỏa thiêu sẽ gửi tro cốt tại Nghĩa Trang Văn Điển. "Đã có trường hợp bệnh nhân mất 4 - 5 năm gia đình mới đến nhận người thân", ông Hòa nói.
Trải qua gần 20 năm làm việc, ông đã quá quen với việc các thi thể "cô đơn" không người thân đến hương khói, nhưng điểm chung là đa số các thi thể đều gầy đét, da bọc xương, thậm chí có nhiều thi thể khiến ông Hòa bị ám ảnh.
"Có người lở loét còn mỗi bộ khung, thịt đã bị thối hết nên khi lau chùi, tắm rửa, mặc quần áo cho những thi thể đấy tôi rất sợ, về ám ảnh mất cả tuần.
Mùi hôi thối từ cơ thể người vô cùng kinh khủng, không hề giống với bất kỳ mùi nào khác, nhiều khi mùi bốc ghê quá chúng tôi phải đeo mấy lớp khẩu trang...", ông Hòa nói.
Ông cho rằng, những trường hợp nghiện nặng dẫn đến nhiễm HIV chuyển sang AIDS rồi tử vong đa phần đã phá phách tan nát gia đình nên bị người thân ruồng bỏ.
Còn điều dưỡng Trần Thị Minh The, làm việc 16 năm tại Bệnh viện 09 tâm sự, là người chăm sóc trực tiếp các bệnh nhân HIV với nhiều nguy hiểm đã có lần khiến chị bị phơi nhiễm trong lúc lấy máu cho bệnh nhân nghiện ma túy.
Lúc phơi nhiễm chị rất lo lắng, giấu gia đình nhưng được mọi người động viên, trấn an nên sớm ổn định tinh thần, sau này xét nghiệm may mắn chị không bị nhiễm HIV. "Khi lấy máu cho bệnh nhân nghiện rất khó nhất là vào mùa đông lạnh bởi vì ven của họ gần như đã bị vỡ" chị The nói.
Theo điều dưỡng The, hiện nhận thức của một số người về HIV/AIDS vẫn còn rất nặng nề, nhiều người nghĩ rằng mắc bệnh sẽ chết nhưng thực tế nếu phát hiện sớm và uống thuốc ARV đều đặn thì bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, sống thọ và đi làm bình thường.
Hơn 10 năm trước, khi chưa có thuốc điều trị ARV tại Bệnh viện 09 có ngày 3 - 4 bệnh nhân tử vong do nhiễm HIV/AIDS, giờ con số này giảm rõ rệt, mấy tháng mới có một người chết.
Nữ điều dưỡng đưa ra ví dụ về cụ ông năm nay 90 tuổi phát hiện bị nhiễm HIV cách đây khoảng 16 năm nhưng uống thuốc ARV đều đặn nên sức khỏe tốt.
Trước đây, cụ ông này hàng tháng đều đặn đạp xe tới Bệnh viện 09 để khám và lấy thuốc, mấy năm gần đây, bệnh viện chuyển theo thẻ bảo hiểm về địa phương cho tiện đường đi lại.
Chị cho biết, các bệnh nhân nhiễm HIV những năm gần đây "trẻ hóa" và lây qua đường tình dục ở nhóm người đồng giới.
Nhiều bệnh nhân trẻ khi phát hiện bản thân bị nhiễm HIV sốc nặng, suy sụp tinh thần.
Thậm chí, có bệnh nhân nam đồng giới khi mới biết mình nhiễm HIV còn xin địa chỉ nhà chị The để đến nhờ tư vấn, nhưng khi đến nhà chỉ ngồi lặng thinh mấy tiếng đồng hồ không nói gì.
"Để cậu ta ổn định về tinh thần tôi còn dẫn chứng về trường hợp bạn nữ 33 tuổi quê Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có 2 người con hiện đang thuê trọ gần nhà tôi đã nhiễm HIV từ lâu may mắn phát hiện sớm, uống thuốc đều đặn nên sức khỏe tốt, đi làm bình thường.
Từ câu chuyện này, tôi khuyên cậu thanh niên nghĩ về tương lai tốt đẹp, chăm chỉ uống thuốc ARV khi tải lượng vi rút thấp thì có thể lấy vợ, sinh con bình thường. Sau đó, tôi còn dẫn cậu ta sang nhà 3 mẹ con chơi và chỉ một thời gian ngắn sau bệnh nhân tinh thần phấn chấn, uống thuốc đều đặn", nữ điều dưỡng chia sẻ.
Chị The khẳng định, bệnh nhân không chết vì HIV nhưng chết vì bị nhiễm trùng cơ hội do bệnh lao phổi, nấm...
Bệnh viện 09 là Bệnh viện chuyên khoa hạng II trực thuộc Sở Y tế thành phố Hà Nội.
Bệnh viện được thành lập theo quyết định số 6640/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 12 năm 2009, là nơi quản lý, chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số khu vực lân cận bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 đa số là người nhiễm HIV/AIDS nghiện ma túy, bệnh nhân chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện về.