Sở Y tế Hà Nội đề nghị chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B

Tin Y tế - Ngày đăng : 20:49, 22/12/2022

Sở Y tế Hà Nội đề nghị cần quy định cơ chế chuyển dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm A sang nhóm B để việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như các bệnh lý khác.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Thịnh An

Ngày 22.12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh và quận Hai Bà Trưng về chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022 tổng dự kiến kinh phí ngân sách Nhà nước đã thực hiện là hơn 954 tỉ đồng. Công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.

Thành phố cũng có những cơ chế, chính sách chỉ có riêng tại Hà Nội như chính sách hỗ trợ thêm 70% cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 02/2021; Chính sách hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội quy định tại Nghị quyết số 19/2022.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thịnh An
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thịnh An

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Y tế, tồn tại trong công tác tài chính hậu cần là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 tại Khoản 3 Điều 48 quy định “người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí” không cho phép xã hội hoá hoạt động tiêm chủng.

Trong khi đó, thời gian cách ly kéo dài lên tới 14, 21 ngày gây ra áp lực rất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động tiêm chủng không được xã hội hoá khiến ngân sách Nhà nước đều phải chi trả cho việc mua vaccine, vật tư tiêu hao... trong khi người dân có nguyện vọng chi trả mà không được.

Cũng do quy định này nên đã gây nhiều khó khăn trong huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch. Người mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) được khám, điều trị miễn phí, kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả.

Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được. Còn nếu chi trả theo mức chi phí thực tế tại cơ sở tư nhân sẽ dẫn đến tác động tiêu cực và không có cơ sở để thực hiện khi dùng ngân sách Nhà nước chi trả.

Bên cạnh đó, quy định này gây khó khăn trong việc thanh, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh của người bệnh COVID-19 bởi tại thời điểm điều trị, người bệnh COVID-19 có bệnh lý nền nên phải phân tách chi phí điều trị từng loại bệnh. Điều này rất khó thực thực hiện.

Từ những khó khăn trên, Sở Y tế Hà Nội đề nghị cần quy định cơ chế chuyển dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm A sang nhóm B để việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như các bệnh lý khác.

"Hiện dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt trên địa bàn, các chi phí điều trị vẫn do ngân sách Nhà nước chi trả, gây nên gánh nặng cho ngân sách, trong khi nhiều người dân có khả năng chi trả", Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương nói.

PHẠM ĐÔNG