Bếp nhà xưa và nay mãi tràn đầy vị Tết
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:09, 22/12/2022
Tiếng nồi xoong, bát đũa chạm vào nhau, tiếng băm thớt liên hồi, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa, tiếng lửa bên kiềng xèo xèo nhảy nhót. Tôi gọi đó là thanh âm của Tết.
Dường như khi người ta càng trưởng thành bao nhiêu thì lại càng hoài niệm những điều đã cũ bấy nhiêu. Lòng tôi chộn rộn nhớ nhà, nhớ căn bếp xưa, nhớ tuổi thơ êm đềm cùng mọi người trong gia đình đã bên nhau bao mùa đón Tết.
Ngày Tết nhất định phải có bánh chưng xanh.
Những ngày ấy, bố tôi hay tích trữ củi trong vườn về chất đầy bên chái. Bố bảo để dành cho Tết và Giêng Hai nhỡ đâu trời mưa dầm còn có mà đun nấu. Mẹ đi chợ mua trước những đồ khô. Nào miến, bánh đa nem, bánh phồng tôm, măng khô, nấm hương mộc nhĩ… cất vào tủ, vào chạn.
Tôi với anh hai bảo nhau lấy tro bếp ra cọ rửa bộ ấm chén và xoong nồi, cọ đến đâu mọi thứ sạch bong, trắng tinh đến đó. Mẹ khệ nệ bê thúng bát đĩa trong góc bếp ra cùng cọ rửa. Chiếc đĩa có hình cô tiên, vành bát có hình hoa hồng xinh lắm.
Mẹ băm rau lợn dự trữ cho mấy ngày Tết, vẫn cái đòn gỗ chi chít vết dao và nhựa rau khoai xanh bám chặt. Nồi cám to bên bếp chín thơm khiến những chú lợn háu ăn ngoài chuồng ầm ĩ rít gọi. Bố rút rơm về bện thêm ổ cho gà đẻ trứng, bố lót cả xuống chiếu giường và bảo rơm ấm ngủ êm.
Con trâu trong chuồng cũng nhai rơm khi trời lạnh, tôi rút rơm về góc bếp để làm lòm. Bà tôi giữ lại hạt từ quả mướp treo lủng lẳng trên kèo bếp trồng cho mùa sau, phần xơ đem cắt thành nhiều khúc để rửa bát dần. Bố đặt ngang bếp mấy thanh tre làm giá đỡ gác rổ to, xảo và quang gánh. Từ bụi tre cuối vườn mà bố đan được rất nhiều sọt, rổ, rá, chiếc rế đựng nồi và bó đũa cùng tăm. Mẹ treo mấy bộ quần áo của anh em tôi vào bếp cho nhanh khô, dẫu áo quần bị ám khói tôi cũng quen thứ mùi hăng hắc ấy từ lâu rồi.
Con mèo khoang hết nằm lại ngồi, xém cả lông và râu vẫn chẳng rời tro bếp. Cả năm mới có mấy ngày Tết, trẻ con như chúng tôi háo hức vì được ăn được chơi nhiều. Ở quê, nhà tôi hay các nhà khác cùng làm ruộng, Tết chẳng dám ăn to nhưng cũng tươm tất hơn ngày thường chút đỉnh.
Cảm giác ấm áp trông nồi bánh chưng bên bếp lửa.
Ngày 28, mẹ rủ bác hàng xóm cùng đi mua thịt lợn. Một khúc ba chỉ to để gói bánh chưng, mẹ thái đôi khúc còn lại dọc theo thớ rồi áp chảo vàng ươm cánh gián đậy trong chiếc nồi nhôm.
Xương lợn bố chặt nhỏ, xào lên đủ mắm muối cất vào cặp lồng. Có cả cân mỡ khổ, mỡ lá mẹ rán đựng đẫy một âu sành. Đàn kiến đen kéo nhau liếm láp. Bố kê bốn chân chạn đã bọc túi bóng vào bốn bát nước, kiến không tìm đường lên chạn nữa. Tóp mỡ cho vào túi bóng, để dành ra Giêng kho cá, rim tép hoặc sốt với cà chua trộn vào cơm thì ngon phải biết.
Mẹ trải chiếu ra sân, thúng gạo nếp tròn thơm, giá đỗ xanh óng vàng, lạt dẻo sẵn sàng, lá dong xanh mướt, bát thịt ba chỉ dậy mùi tiêu cay. Đôi tay bố mẹ tỉ mỉ trong thoăn thoắt, chẳng mấy chốc những chiếc bánh chưng vuông vắn đã được xếp vào chiếc nồi.
Bố đặt chéo mấy viên gạch chồng lên nhau rồi chất củi lửa bên đoạn đất trống gần bếp, nồi bánh nhà tôi đã sôi sùng sục từ tối hôm 28. Mẹ lúi húi đun siêu nước đổ đầy hai phích, anh em tôi vây quanh bếp luộc bánh.
Trời rét, tay đứa nào cũng hơ vào ánh lửa, chân rung rung bên chiếc ghế gỗ nhỏ xíu chi chít mũ đinh. Bố cho thêm củi, than càng lúc càng hồng, thỉnh thoảng còn tí tách bắn ra những đốm vụn làm chiếc áo len tôi đang mặc bị thủng li ti mấy vết. Que cời than bằng tre tươi cũng cháy nhanh như củi, anh em tôi cầm nó vẽ lên thành nồi, vung nồi bánh những vệt nhem nhuốc, lúc lại chăm chú nghe bố kể chuyện năm nảo năm nào. Mùi bánh chưng cứ thơm nghi ngút theo khói nước, khói lửa khiến cái bụng tôi thấp thỏm cồn cào. Đến khi díp mắt rồi đứa nào cũng đi ngủ chỉ còn mình bố canh bếp tới hôm sau vớt bánh.
Bếp củi thân thương niềm nhớ.
Sáng 30, mẹ cắt đôi nắm cây mùi già ngoài vườn đun một nồi nước to thơm nức cho cả nhà. Bà tôi nhấc viên đá cuội và phên tre đẹn phía trên vại dưa trong bếp đã muối mấy ngày trước đó, mùi dưa đang vào độ chín ngào ngạt. Bà ưng ý lắm, miếng trầu bà nhai mềm môi đỏ thắm. Màu đỏ còn vương lại hiền hoà trên những nếp nhăn quanh khoé miệng.
Bà rót dầu hoả vào chiếc đèn và bảo rằng ngày Tết phải có đèn dầu trên ban thờ để mời ông cùng tổ tiên trở về ăn Tết trong ấm áp. Chiếc khăn nhung trên cổ được buộc lại, bà vịn tay vào bàn thờ khẽ lấy ảnh ông ra phủi bụi và nhìn hồi lâu. Mỗi lúc có con đom đóm hay con bươm bướm sẫm màu bay vào sân, vào nhà hay vào bếp lúc trời tối, bà lại thì thầm rằng ông đã về thăm nhà đấy. Tôi vẫn tin đó là sự thật cho đến tận bây giờ.
Chiều hôm 30 Tết ấy, bếp nhà tôi thơm lừng mùi canh măng, canh miến, mùi cơm tẻ, mùi xôi nếp với mùi nem rán, bánh chưng xanh rền… Bố chặt thịt gà bày lên đĩa, mẹ múc canh miến, rắc thêm ít hành hoa, bà đơm đĩa xôi tròn vành vạnh, anh trai lớn của tôi thái thịt quay từng miếng đều tăm tắp. Một đĩa giò thủ và bát thịt đông mẹ làm chung cùng bác hàng xóm nữa.
Mâm cơm ngày cuối năm đặt trên bàn thờ gia tiên cùng rượu nước, bà châm hương bên ngọn đèn dầu rồi chắp tay lầm rầm khấn. Mùi hương thơm bảng lảng cứ vấn vít quanh bàn thờ, quanh mâm cơm nóng…
Những món ăn cổ truyền cúng gia tiên ngày Tết.
Bao mùa Tết trôi qua, anh em tôi dựng vợ gả chồng gần xa. Bố mẹ tôi vẫn giữ thói quen nấu đun bằng bếp củi. Bố bảo trời lạnh, cơm nấu xong bày mâm ra bếp, bố mẹ ăn luôn cho ấm.
Ngày Tết, anh em chúng tôi được tề tựu đông đủ bên mái nhà, bên gian bếp ngày xưa. Mẹ lại nấu cơm, đơm xôi ra đĩa tròn vành vạnh như bà tôi lúc trước, các anh trai thịt gà, nướng chả, hai chị dâu cùng quấn nem rán, ninh miến và măng. Bố vừa treo bánh chưng vừa dặn mỗi đứa nhớ mang về mấy chiếc.
Lũ trẻ con xúng xính quần áo mới tung tăng đuổi nhau dọc con ngõ, thỉnh thoảng lại ùa bên vai ông bà cười khúc khích giòn tan. Cây hoa đào rực rỡ phía đầu sân, cả nhà sum họp quây quần chuyện trò rổn rảng. Ai nấy cũng phấn khởi trong mâm cơm ngày cuối năm. Mọi người gắp cho nhau từng món ăn, tiếng nói cười râm ran trong căn nhà đầy Tết.
Lửa dưới bếp vẫn cháy liu riu, ánh đèn dầu trên bàn thờ quyện vào khói nhang ấm cúng. Có hai con bươm bướm sẫm màu cứ quẩn quanh trên bốn bức tường nhà mà bay đậu. Tôi nhớ lại lời bà năm xưa, có lẽ ông bà cùng nhau trở về thăm nhà, thăm cháu con ngày Tết.
Hoa đào rực rỡ bên ngày Tết.
Căn bếp cũ nhà tôi bây giờ đã được lợp lại mái, những vết tường bong cũng được trát nhẵn đều. Chiếc bếp ga kê gọn một bên thỉnh thoảng mới nấu, bếp kiềng vẫn nằm vị trí ngày xưa, củi khô gọn gàng xếp cạnh, tro bếp vẫn gợn bay, khói bếp vẫn nhèm mắt cay.
Dù Tết xưa hay Tết nay, bếp nhà tôi vẫn ngày ngày đỏ lửa, vẫn rộn ràng chan chứa những hương vị của tình thân. Tết đang đến thật gần bên bếp nhà mãi ấm.