Bình nóng lạnh có 1 “công tắc ẩn”, nhà nào biết mở ra dùng 10 năm vẫn bền lại không lo tốn điện
Gia đình - Ngày đăng : 09:53, 22/12/2022
Bình nóng lạnh được sử dụng rất nhiều vào mùa đông để cung cấp nước ấm cho người sử dụng. Tuy nhiên, người ta dùng bình nóng lạnh nhiều nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến việc vệ sinh cho chiếc bình này. Nếu không vệ sinh thường xuyên thì bên trong bình nóng lạnh sẽ rất bẩn.
Nguyên nhân nước cứng có chứa nhiều khoáng chất như canxi, sắt,… các ion kim loại này sẽ tạo ra phản ứng với kim loại trong bình khi nhiệt độ tăng cao, cho nên sau một thời gian sử dụng, trong bình nóng lạnh sẽ có nhiều cặn kết tủa.
Cặn bẩn trong bình có thể gây ra nhiều vấn đề như gây tắc đường nước ra, giảm lượng nước trong bình, giảm hiệu quả đun nóng của mình,… Trong trường hợp nước chứa nhiều khoáng chất, bề mặt kim loại của sợi đốt trong bình sẽ bị ăn mòn, lâu ngày sẽ bị thủng, nứt vỡ, thậm chí xảy ra tình trạng bình nóng lạnh bị rò rỉ điện. Chính vì vậy, việc vệ sinh bình nóng lạnh thường xuyên là rất cần thiết.
Cách vệ sinh van xả cặn
Thực ra việc vệ sinh bình nóng lạnh cũng không quá khó khăn và phức tạp, trên thân bình có một “công tắc ẩn”, bạn chỉ cần mở nó ra là nước bẩn sẽ chảy ra cả chậu. “Công tắc ẩn” này chính là van xả cặn trên bình nóng lạnh. Chỉ cần vặn nó ra, sục bình nóng lạnh thì các cặn bẩn trong bình sẽ đi ra theo đường này.
Việc đầu tiên bạn cần làm trước khi vệ sinh bình nóng lạnh đó là phải xả hết nước nóng trong bình để tránh làm chúng ta bị bỏng trong quá trình vệ sinh. Sau đó hãy ngắt nguồn điện và khóa nguồn cấp nước vào bình.
Tiếp theo, lần lượt tháo đường ống cấp nước, đường dẫn nước đi ra và van an toàn. Khi nước trong bình xả hết, hãy tiếp tục vặn van xả cặn ra, nó nằm ngay bên cạnh 2 ống dẫn nước vào và ra.
Lưu ý nên nhẹ tay vì van xả cặn thường gắn liền với thanh Magie (thanh tẩy cặn), chức năng của thanh này là bảo vệ các điểm không được phủ men trong bình nóng lạnh, khiến quá trình han rỉ không diễn ra để bảo vệ lõi bình không bị thủng.
Dùng ống cấp nước lắp vào vị trí đường ống dẫn nước ra, mở khóa nguồn cấp nước ra với mục đích cho nước lạnh vào bên trong để sục bình, sau đó nước bẩn sẽ đi ra từ van xả cặn.
Sau khi sục rửa khoảng 1-2 phút, khi cặn bẩn bên trong bình đã hết, bạn hãy tháo đường ống cấp nước ra khỏi đường dẫn nước vào và lần lượt lắp các đường ống nước lại như ban đầu.
Với thanh Magie, trước khi lắp lại vào bình thì bạn nên rửa sạch nó. Nếu thanh Magie bị ăn mòn hơn 60% thì cần tiến hành thay ngay. Nếu như không được thay thế, thanh Magie sẽ kết hợp với các kim loại trong bình gây ra hiện tượng rò rỉ, ăn mòn vỏ bình và sẽ ảnh hưởng đến người dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản như trên là các cặn bẩn trong bình nóng lạnh sẽ bị loại bỏ. Theo các chuyên gia, để cặn bẩn không tích tụ quá nhiều bên trong bình, tốt hơn hết bạn nên vệ sinh bình theo cách này khoảng 6 tháng một lần.
Theo Xevathethao