Bệnh nhân có máu như sữa vì uống thuốc không rõ nguồn gốc

Tin Y tế - Ngày đăng : 14:28, 21/12/2022

TPHCM - Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, nhưng không ít người vì tin lời truyền miệng mà tự ý uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, đến khi bệnh chuyển nặng mới nhập bệnh viện cấp cứu.

Một bệnh nhân 39 tuổi, ngụ ở tỉnh Đồng Nai có tiền sử bệnh đái tháo đường nhiều năm. Những tháng trước, bệnh nhân vẫn đến bệnh viện tái khám và nhận thuốc đều đặn để uống. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng trở lại đây, bệnh nhân đã bỏ điều trị tại bệnh viện, sử dụng một loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ người quen giới thiệu.

 
Máu được lấy ra từ bệnh nhân có màu trắng đục như sữa. Ảnh: Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Sử dụng loại thuốc không rõ nguồn gốc này được 2 tháng, bệnh nhân thấy chỉ số cải thiện và ngưng uống thuốc. Thời điểm ngưng uống thuốc được 2 tháng tiếp theo, bệnh nhân bắt đầu thấy sức khoẻ đi xuống rõ rệt, tình trạng mệt mỏi, suy đa cơ quan diễn ra nên nhập Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu.

BS.CKI Lương Thái Duy – Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM cho biết, khi bệnh nhân nhập bệnh viện cấp cứu đã được chỉ định làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy chỉ số lượng triglycerid máu là 1.390, tăng gấp nhiều lần so với bình thường (từ 40-164.5). Đồng thời, hàng loạt các chỉ số khác như: Lipit, glucose, cholesterol… đều tăng cao so với bình thường. Điều này rất nguy hiểm, bệnh nhân lúc được lấy máu lượng đường huyết mỡ nhiễm máu cao nên đã xuất hiện tình trạng máu có màu trắng đục như “sữa đặc”.

“Với những trường hợp này, cũng may mắn bệnh nhân chưa bị viêm tuỵ cấp. Đái tháo đường có thể biến chứng về tim mạch, viêm tuỵ cấp, suy đa cơ quan rất lớn, thậm chí là tử vong nếu không cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Duy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, các bác sĩ gặp nhiều khó khăn vì bệnh nhân không ý thức được tình trạng bệnh của mình nặng nên không hợp tác điều trị trong thời gian đầu. Đồng thời, niềm tin với các phương pháp uống thuốc truyền miệng lớn dẫn đến bệnh nhân không hợp tác điều trị.

Bệnh viện phải liên tục giải thích, vận động bệnh nhân mới chịu hợp tác. Sau khoảng 2 tuần lọc điều trị tích cực, các chỉ số đường huyết dần ổn định và được xuất viện.

Theo bác sĩ Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường phải được chăm sóc, điều trị thường xuyên mới ổn định được tình trạng đường huyết và không biến chứng sang các bệnh khác. Tuy nhiên, nhiều người quan niệm rằng uống thuốc tây nóng, không biết điều trị đến khi nào, nên nghe theo truyền miệng uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc sẽ nhanh hết tiểu đường, không phải uống thuốc suốt đời. Điều này vô cùng nguy hiểm, vì bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính nên phải điều trị suốt đời dưới sự theo dõi của bác sĩ. Việc bỏ điều trị là bệnh nhân đang tự kéo giảm thời gian sống của mình. 

NGUYỄN LY