Yen Nhật tăng sốc nhất 24 năm, người lao động Việt Nam bớt thiệt thòi
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 14:24, 21/12/2022
Một đồng yen Nhật tăng vọt gây ra sự chao đảo trên thị trường tài chính nhưng là tin tốt đối với người Việt Nam đang lao động tại Nhật.
Trong phiên 20/12, đồng yen Nhật tăng gần 4% so với USD lên gần 131,66 yen/USD. Trong phiên, có lúc yen Nhật chạm mức 130,6 yen/USD. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 1/8 của đồng tiền Nhật so với USD.
Tới 8h30 sáng 21/12, trên thị trường thế giới, đồng yen Nhật hạ nhiệt đôi chút xuống còn 132,02 yen/USD.
Yen Nhật tăng vọt ngay sau khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) gây sốc cho thị trường bằng một sự điều chỉnh chính sách bất ngờ hiếm có hôm 20/12. Trước đó, đồng tiền này tụt giảm mạnh trong năm 2022, có lúc mất tới hơn 30% so với đồng USD của Mỹ (xuống ngưỡng 150 yen/USD hôm 20/11).
Cụ thể, BOJ hôm 20/12 đã bất ngờ nới rộng gấp đôi biên độ dao động trái phiếu chính phủ Nhật (JGB) từ +/- 0,25% lên +/- 0,5%. Đây là chương trình kiểm soát lợi tức trái phiếu mới của Nhật Bản.
Quyết định của BOJ được xem là đồng nghĩa với việc ngân hàng này đã tăng lãi suất dài hạn.
Theo đó, về nguyên tắc, BOJ có thể vào không giới hạn trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức lãi suất mới.
Động thái của BOJ diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, giữa lúc ngân hàng trung ương các nước trên thế giới vẫn chạy đua tăng lãi suất và lạm phát ở nhiều nước chưa thể kiểm soát.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 14/12 có lần tăng lãi suất thứ 7 trong năm 2022, đưa lãi suất điều hành từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên 4,25-4,5%/năm. Các ngân hàng trung ương Anh (BOE) và châu Âu (ECB) cũng đã theo sau Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Điều bất ngờ là BOJ không phát đi tín hiệu trước.
Trong cả thập kỷ qua, BOJ là một trong số hiếm hoi các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế Nhật vốn tăng trưởng ì ạch. Đây cũng là lý do khiến đồng yen Nhật mất giá nhiều nhất so với đồng USD trong năm 2022. Nhật duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng (lãi suất âm), bất chấp việc đồng yen mất giá mạnh và nước này lâu nay hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nước đối tác thương mại.
Gần đây, yen Nhật hồi phục theo đà suy giảm chung của USD nhưng mức độ chậm hơn so với bảng Anh, Euro...
Trên thực tế, BOJ vẫn nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Tuy nhiên, quyết định nới rộng gấp đôi biên độ dao động JGB là một biện pháp giúp Nhật siết lại tiền tệ.
Yen tăng trở lại, người lao động Việt tại Nhật đỡ thiệt
Trước đó, giới đầu tư tin rằng, BOJ sẽ không có thay đổi cho đến hết tháng 3/2022 khi nhiệm kỳ 10 năm của Thống đốc hiện tại Haruhiko Kuroda kết thúc.
Động thái mới của BOJ cũng là tín hiệu cho thấy Nhật có thể thắt chặt chính sách hơn trong thời gian tới. Một số dự báo cho rằng, yen có thể tăng lên mức 125 yen/USD. Tính từ đầu năm cho tới thời điểm hiện tại, đồng yen vẫn còn giảm gần 14,5% so với USD.
Ngay sau khi yen tăng so với USD, đồng tiền của Nhật cũng tăng từ 3-3,7% so với một số đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Tại Việt Nam, đồng yen Nhật giảm mạnh so với VND trong phần lớn năm 2022. Hôm 20/10, Vietcombank niêm yết yen/VND ở mức 160,74 đồng (mua) và 168,46 đồng (bán), so với mức gần 200 đồng hồi đầu tháng 3.
Sáng 21/12, Vietcombank niêm yết yen Nhật tăng mạnh trở lại, lên 177,464 đồng (mua) và 185,99 đồng (bán).
Hội sở Ngân hàng Nhà nước cũng tăng giá yen mua vào-bán ra từ mức 164-181 hôm 20/11 lên 171-188 đồng/yen sáng 21/12.
Đồng yen Nhật tăng giá trở lại so với đồng tiền Việt Nam giúp nhiều người lao động Việt Nam tại Nhật gửi tiền về nước bớt thiệt thòi.