Bếp xưa của mẹ
Dòng chảy - Ngày đăng : 12:18, 21/12/2022
Mẹ bảo, trong mỗi ngôi nhà đều có một bếp lửa, đó chính là ơn phước của cuộc đời ban tặng, không chỉ có con người mới tôn thờ giữ ngọn lửa bếp, mà ở trên cõi thiên đình cũng có quan chăm lo việc bếp núc nhà trời gọi là quan Thiên Trù (tên một vì sao).
Cái ơn của đời ấy cao hay thấp, bền chắc hay không là do mỗi gia đình có giữ cho ngọn lửa ấy luôn cháy sáng mãi hay để cho chóng lụi tàn, người ta gọi đó là phúc nhà. Để duy trì ngọn lửa ấy, mẹ tôi - người phụ nữ quanh năm tảo tần đã chăm lo vun vén giữ lửa ấm cho ngôi nhà hạnh phúc, bình yên của chúng tôi. Mỗi khi chiều về, trong gian bếp nhỏ mẹ lại nhóm lửa thổi cơm, lửa lại bập bùng, lửa reo tí tách đến vui tai. Hai anh em chúng tôi ríu rít kể chuyện trường lớp cho mẹ nghe, rồi nô đùa quanh bếp…
Bên bếp lửa của mẹ. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng
Bên bếp lửa ấy, mẹ đã nấu cho gia đình những món ăn bình dị, đậm đà chất quê trên chiếc kiềng 3 chân đỏ lửa. Những củ khoai, củ sắn được mẹ vùi vào trong củi nóng, khi chín thơm lừng làm cho cái dạ dày bé xíu của chúng tôi không thể yên, vừa bóc, vừa thổi, vừa ăn sao ngon đến lạ. Mẹ khéo tay nên cơm mẹ nấu lúc nào cũng dẻo thơm, dưới đế xoong bao giờ cũng là tảng cháy vàng ruộm mà tôi hay dành phần để ăn với nước mỡ từ thịt rang tiết ra.
Bên bếp lửa hồng mẹ kể cho chúng tôi nghe sự tích về việc thờ vua Bếp - Táo quân. Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy chồng khác giàu có hơn. Đúng ngày 23 tháng Chạp, người vợ đang đốt vàng mã ngoài sân thì có một người đàn ông đến ăn xin, vợ nhận ra đó là chồng cũ ngày xưa, liền cho tiền bạc, cơm gạo. Người chồng sau biết chuyện, người vợ lấy làm xấu hổ lao đầu vào đống vàng mã đang cháy. Người chồng cũ cảm kích, nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau cũng ân hận và nhảy vào cùng chết. Ngọc Hoàng thương cảm cho số phận của ba người tình nghĩa nên phong cho làm vua Bếp. Ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) là ngày Táo quân lên chầu trời. Với dân gian đó là người ghi chép mọi chuyện tốt, xấu trong mỗi gia đình để cuối năm cưỡi cá chép bay về trời báo cáo với thiên triều.
Bếp có đỏ lửa thì gia đình mới yên ấm. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng
Khi đông đến, bếp củi của mẹ chẳng khi nào tắt lửa. Dù trời lạnh thấu xương, mẹ vẫn dậy sớm cần mẫn như chú ong chăm chỉ. Mẹ nhóm lửa để nấu cơm nấu nước, để hơ tay, để giữ ấm gian bếp. Để khi bố tôi dậy có nước nóng pha trà, anh em tôi dậy có nước ấm đánh răng rửa mặt. Cả nhà cùng quây quần bên nồi sắn luộc nóng hổi còn nghi ngút khói, vừa ăn vừa hít hà.
Tôi nhớ mùa đông của những tháng ngày khó khăn, khi những cơn gió lạnh tê tái đầu đông ùa về làm khô cong cuống rạ, tôi lon ton theo mẹ ra đồng bắt những con ốc nằm ngửa miệng trên từng vũng bùn khô nước của ruộng lúa đã qua mùa gặt hái. Về nhà, mẹ trút ốc ra chậu nước ngâm cho chúng nhả hết bùn đất trong miệng, trong bụng, rồi rửa lại nhiều lần cho thật sạch. Ít thì mẹ sẽ luộc để chấm mắm ớt chanh, thêm vài miếng sả thái mỏng để cả nhà ăn chơi, nhiều thì hứa hẹn sẽ có nồi chuối xanh nấu ốc đậu tuyệt ngon. Bữa ăn dân dã sao mà ngon đến vậy, ngon suốt cả tuổi thơ tôi và cho đến tận bây giờ.
Khi những cành đào khoe sắc báo hiệu Tết đến xuân về, từ bếp của mẹ sẽ có nhiều hơn những món ăn ngon mà anh em chúng tôi chẳng thể nào quên như thịt đông, hành kiệu muối và đặc biệt hơn cả là bánh chưng xanh. Mẹ bảo, không biết chính xác bánh chưng có từ khi nào, chỉ biết rằng bánh chưng gắn với truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Theo quan niệm của người xưa, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ. Bánh có màu xanh lá cây, hình vuông được coi là đặc trưng cho đất còn bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời, bởi trời tròn đất vuông. Bánh chưng là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà và trời đất.
Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Shutterstock
Ngày Tết việc chuẩn bị bánh chưng là việc quan trọng nhất cũng là vui nhất với mọi gia đình. Bởi nó không chỉ là món ăn truyền thống trên mâm cỗ mà các công đoạn chuẩn bị gói bánh chưng và luộc bánh chưng cũng đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt.
Mẹ phân chia cho anh em chúng tôi mỗi người một việc, tôi rửa lá dong còn em gái sẽ ngồi lau khô, bố chịu trách nhiệm vo gạo, pha thịt làm nhân, đãi đỗ… rồi cả nhà cùng quây quần ngồi gói bánh. Bánh sau khi gói xong được xếp ngay ngắn vào xoong bắc lên bếp cả nhà cùng quây quần, xum tụ vừa chuyện trò vừa đợi bánh chín là hình ảnh thân thương mà tôi mang theo suốt cuộc đời mình. Mẹ bảo bánh muốn ngon phải luộc bánh từ 10 tiếng trở lên bánh mới thơm ngon, mềm dẻo và có màu xanh của đất trời “Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng bên cành đào tươi”.
Trong không khí hân hoan của đất trời, của những ngày giáp Tết tôi lại nhớ về bếp của mẹ, từ bếp lửa hồng ấy mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Bếp xưa của mẹ cho tôi học sự hiếu đạo, thủy chung, son sắt của tình chồng nghĩa vợ.