70 - 90% bệnh nhân không qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ trở lên

Tin Y tế - Ngày đăng : 11:16, 21/12/2022

TPHCM - Thuốc trừ cỏ (nhóm thuốc paraquat; piaquat và diquat), là nhóm chất đứng đầu danh sách các chất cực độc. Những người uống loại thuốc này, dù có được cấp cứu trong thời gian vàng nhưng nguy cơ tử vong vẫn rất cao để lại di chứng.

Các bác sĩ Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM những ngày cuối năm bận rộn hơn vì liên tục tiếp nhận những trường hợp có những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống nên quyết định kết thuộc cuộc đời mình bằng thuốc diệt cỏ paraquat.

Đơn cử như trường hợp nam bệnh nhân 32 tuổi, nhập cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn ói, khó thở, mệt nhiều… Qua khai thác, bệnh nhân cho biết vì thua lỗ trong làm ăn và nhận thấy không có tiền trả nợ nên quyết định tự tử bằng việc uống thuốc diệt cỏ paraquat và thuốc trừ sâu trong nhà nghỉ. Tuy nhiên sau khoảng 3 giờ uống chất độc, những cơn thiêu đốt trong cơ thể khiến bệnh nhân đau đớn và gọi người nhà đưa đi cấp cứu.

Nhóm thuốc độc này thuộc nhóm chất tác dụng nhanh và không chọn lọc, ăn mòn phá hủy các tế bào: Phổi, thận, gan, tim…

Chỉ cần uống nửa ngụm dung dịch 20% là có thể tử vong. Chất độc được hấp thu nhanh, đặc biệt có ái lực rất cao với phổi, gây tổn thương phổi (tổn thương sau đó xơ phổi tiến triển) và các cơ quan khác (thường là niêm mạc tiêu hoá, gan, thận).

Một số trường hợp, khi nhập viện các chất độc này sẽ gắn kết với 98% các protein trong cơ thể nhanh chóng và bệnh nhân có thể tử vong sau đó. Để điều trị tích cực, các bác sĩ sẽ sử dụng các màng lọc liên tục từ 6-8 tiếng, kháng sinh, corticoid, thuốc lipit (mục đích co cụm chất độc và rút chất độc ra bên ngoài). Có những bệnh nhân lọc tích cực khoảng 24 tiếng thì chất độc bắt đầu tấn công vào tim, phổi.

Dù được điều trị tích cực, lọc máu, 70 - 90% bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ trở lên. Hóa chất cực độc gây suy gan, xơ phổi sẽ không thể cứu chữa được người bệnh.

Theo bác sĩ Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, đối với trường hợp nam bệnh nhân trên, cần phải xử lý để đẩy chất độc ra càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cơ hội sống của bệnh nhân thấp, khoảng 20-30%.

 
Bệnh nhân đang được bác sĩ tích cực điều trị. Ảnh: NGUYỄN LY

“Chúng tôi cũng đã gặp nhiều ca, bệnh nhân uống khoảng 8-10 tiếng mới vào bệnh viện, những ca này sẽ tử vong trong vòng 24 tiếng đầu. Một số bệnh nhân 5-7 ngày sau suy hô hấp tử vong. Điều đáng sợ là nhóm thuốc độc này bệnh nhân không được thở oxy, nhằm hạn chế tốc độ chất độc lan nhanh hơn mức bình thường...”.

Hiện nay, chi phí bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho những trường hợp này. Trung bình một ca bệnh điều trị tích cực sẽ mất hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nếu may mắn sống sót thì sức khoẻ bệnh nhân cũng suy yếu về sau. 

NGUYỄN LY