Vì sao tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ở TPHCM chưa cao?
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:08, 21/12/2022
Tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2023 diễn ra tại Hà Nội, ngày 19/12, ông Nguyễn Văn Hòa - Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM - cho rằng thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế là một quá trình trải qua nhiều khâu từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự. Mỗi khâu là một "mắt xích", trong đó thi hành án dân sự là "mắt xích" quan trọng để thu hồi tài sản.
Việc thu hồi tài sản chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, thời gian qua TPHCM phát sinh nhiều vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có giá trị lớn, gây thất thoát tài sản Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Năm 2022, tổng số việc thụ lý đối với các án tham nhũng, kinh tế tại Cục Thi hành án dân sự TPHCM là 230 việc, ủy thác là 3 việc. Tổng số tiền phải giải quyết trên 68.765 tỷ đồng, ủy thác trên 79 tỷ đồng.
Mặc dù số việc phải thi hành án liên quan đến án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong những năm qua chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số vụ việc thi hành án dân sự phải thi hành (trung bình là 0,3%) nhưng số tiền phải thu hồi lại chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tiền phải thi hành án, hơn 60% của cả nước. Do đó, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung của toàn ngành thi hành án dân sự và của TPHCM.
Tuy nhiên, ông Hòa thừa nhận việc thu hồi tài sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc xử lý một số tài sản kê biên trong một số vụ việc thi hành án còn chậm.
Các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo phần lớn là các vụ án lớn, đặc biệt lớn, dẫn đến số lượng người phải thi hành án nhiều, số tài sản bị chiếm đoạt lớn.
"Tài sản tuyên duy trì kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tài sản xác minh được trong giai đoạn thi hành án để đảm bảo thi hành án không nhiều. Số tiền thu được sau khi cơ quan thi hành án tiến hành các thủ tục phát mãi tài sản, thu giữ, xử lý các tài khoản bị phong tỏa chưa cao. Điều đó dẫn đến đã xử lý hết các tài sản của người phải thi hành án nhưng số tiền phải thu hồi còn nhiều. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt chưa cao", ông Hòa nêu thực tế.
Phải thi hành trên 9.028 tỷ đồngnhưng mới thu được10 tỷ
Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM phản ánh còn nhiều bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý tài sản; cơ chế quản lý tài sản của cá nhân còn thiếu minh bạch.
Hiện nay cơ quan thi hành án dân sự ở TPHCM gặp nhiều khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản liên quan đến Giang Kim Đạt, Hứa Thị Phấn, Vũ Quốc Hảo, Trần Phương Bình,…
"Các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện để điều tra, truy tố, xét xử. Đến thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện thì đối tượng đã thực hiện việc tẩu tán tài sản hoặc tài sản chiếm đoạt đã bị sử dụng để thực hiện những giao dịch đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau nên khả năng thu hồi được tài sản đạt tỷ lệ chưa cao so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt", ông Hòa phân tích.
Ông Hòa dẫn ví dụ, trong vụ án của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc Vietinbank - chi nhánh TPHCM), nghĩa vụ phải thi hành của Nguyễn Thị Lành trên 9.028 tỷ đồng nhưng đến nay mới xử lý tài sản đảm bảo của bà Lành thu hồi được trên 10 tỷ đồng. Còn lại số tiền trên 9.018 bà Lành không còn tài sản để thi hành, hồ sơ được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án.
Nghĩa vụ phải thi hành án của Nguyễn Thiên Lý trên 1.296 tỷ đồng, cơ quan thi hành án xử lý tài sản đảm bảo của bà Lý chỉ thu hồi được 233 tỷ đồng, còn lại số tiền trên 1.062 tỷ đồng không còn tài sản để thi hành. Vì vậy hồ sơ cũng đã được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án.
"Tỷ lệ thu hồi tài sản toàn vụ đến nay mới chỉ đạt 2,78%", ông Hòa nói.
Có trường hợp người phải thi hành án phần lớn là bị án đang phải chấp hành hình phạt tù, không có tài sản để thi hành án hoặc tài sản không đủ để thi hành án, đương sự phải thi hành nhiều nghĩa vụ tại các bản án khác nhau như vụ Huỳnh Thị Huyền Như hoặc phần phải thi hành án của bà Hứa Thị Phấn, Trần Phương Bình...
Ông Hòa cho rằng cần nghiên cứu xây dựng luật về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án nhằm đảm bảo việc thu hồi triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện vi phạm.
"Đối với quá trình xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cần phải quy định riêng về trình tự thủ tục để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án đảm bảo việc thu hồi tiền, tài sản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư", ông Hòa bày tỏ.