Doanh nghiệp sợ hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế

Nhịp sống - Ngày đăng : 15:47, 20/12/2022

Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết đã ghi nhận không ít ý kiến của doanh nghiệp lo ngại việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.

Sáng 20/12, Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển".

Xây dựng lộ trình, phương ántháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, hơn 2 năm qua, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch Covid-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường do lạm phát, thiếu hụt năng lượng, xung đột…

"Những bất ổn, khó lường đó đang và sẽ đặt ra những thách thức chưa từng có cho chúng ta trong mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cũng như việc triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp sợ hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế - 1

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: D.T).

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, bối cảnh hiện nay là phép thử quan trọng và cần thiết với hệ thống pháp luật và năng lực phản ứng chính sách của một quốc gia. Hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải chú trọng đến tính dự báo, lường trước được những bất ổn, những vấn đề mới có thể phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, thì chính sách, pháp luật mới có thể tồn tại ổn định, lâu dài, tạo sự an tâm của người dân, doanh nghiệp.

Việc cơ quan nhà nước chủ động phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, nhận diện và tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đạt được những thành tựu mới là vô cùng cần thiết. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, quá trình nhận diện và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp muốn có chất lượng, thực chất, "sát sườn" với nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp đòi hỏi tất yếu phải có kênh trao đổi thường xuyên, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những cầu nối vững chắc đó là các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong thời gian qua, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, các khó khăn, vướng mắc được nêu tại diễn đàn để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả. Chủ động nhận diện, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vương mắc, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tin tưởng diễn đàn là cơ hội để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp "cùng nhau lắng nghe"; cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

"Sợ hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế"

- Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho diễn đàn này, Bộ Tư pháp đã ghi nhận khá nhiều ý kiến của doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Hưng Quang - Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Associates cho rằng không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng có những lo ngại về vấn đề này.

Doanh nghiệp sợ hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế - 2

Ông Nguyễn Thanh Tú (bìa trái) nêu quan điểm tại phiên thảo luận (Ảnh: D.T).

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phản ánh, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm thủ tục mất rất nhiều thời gian, công đoạn. Việc này, theo bà Thảo, có thể xuất phát từ yếu tố "chưa có tiền lệ", dẫn đến khi đưa chính sách còn mang tính chung chung.

Bà Thảo nêu thực tế hiện nay doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là khó vô cùng. Những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ.

"Khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Tôi mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra nếu có thì nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật", bà Thảo nêu quan điểm.

Cùng chung suy nghĩ, ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phản ánh doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi tiếp cận nguồn vốn trên vì sau này sẽ phải tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

"Không nộp là bị thanh tra, kiểm tra"

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam phản ánh, dù đã có nhiều chính sách cho doanh nghiệp được nợ, giãn nợ, hoãn thanh toán nợ nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

"Đến giai đoạn này chúng tôi phải nộp thuế, bảo hiểm xã hội, nếu không nộp là bị thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi đề nghị đại diện các bộ, ngành lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp vận tải để có tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà dự kiến năm 2023 còn phải đối mặt với nhiều thách thức nữa", ông Hùng nói.

Thế Kha