Tục thờ thần linh của người Ai Cập (kì 2)

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 10:30, 20/12/2022

Nhiều người xem đó là cuốn sách nói về các nghi thức thờ cúng, đọc thần chú, làm lễ khâm liệm, tống táng người chết, nhưng thật ra trong đó còn đề cập đến sự thành lập vũ trụ, quan niệm sống và một số đoản văn với những ẩn nghĩa huyền bí đặc biệt mà chỉ một số rất ít giáo sĩ hiểu được.

Ngoài nghi thức cúng tế người chết, cuốn Tử Thư Ai Cập còn đề cập đến sự sống: “Trong sự hỗn loạn của những xoay vần trong vũ trụ, thần Nu đã tạo ra Trái đất, nhưng lúc đó Trái đất chưa có sự sống (Nu được xem là vị thần đã tạo ra quả đất này). Chính nhờ ánh sáng của Ra (mặt trời) rọi xuống Trái đất mà Trái đất mới có sự sống và từ đó muôn loài được sinh ra”. Vì lý do này, Ra được tôn kính như là vị thần trông coi sự sống.

Xem thêm: Tục thờ thần linh của người Ai Cập (kì 1)

a44957bd55c98d97d4d8.jpg

Sách chép rõ: “Ta là thần Temu (có khi gọi là Atum), đấng duy nhất mang ánh sáng của Ra đến Suten-Henen. Từ ánh sáng của Ra mà sự sống bắt nguồn, và từ đó vạn vật được sinh ra”.

Một số giáo sĩ cho rằng Temu là vị thần đem ánh sáng của Ra đến Trái đất và sinh ra loài người. Do đó, Temu được xem là thủy tổ của loài người. Một số giáo sĩ khác quan niệm Temu là hóa thân của Ra, hay hình thức nhân cách hóa của Ra mà thôi. Vì là người đầu tiên trên Trái đất nên Temu sinh sản bằng sự trực phân và đứa con đầu là Shu, sinh ra từ mắt bên phải của Temu. Lúc đó trời đất còn hỗn độn, chưa phân chia rõ rệt nên Shu đã dựng lên những cột trụ bằng đá để chống đỡ bầu trời, không cho trời sụp đổ xuống đất. Shu được xem là vị thần kiến thức vì Shu đã dạy cho loài người các kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, thiên văn, kiến trúc, v.v...

Vì sở hữu kiến thức, tiêu biểu bằng chiếc cột chống trời của Shu, loài người không còn sống theo bản năng như loài thú mà bắt đầu biết suy nghĩ.

246d369434e0ecbeb5f1.jpg

Tefnut là em gái của Shu, sinh ra từ mắt bên trái của Temu. Tefnut không thờ cúng mặt trời (tượng trưng cho sự sống) mà đặt ra nghi thức thờ cúng mặt trăng (tượng trưng cho sự chết). Thay vì dạy bảo những kiến thức khoa học như anh thì Tefnut lại đặt ra các nghi thức huyền bí, truyền dạy giới hạn cho một số người.

Cuốn Tử Thư Ai Cập đưa Temu, Shu và Tefnut lên địa vị ba ngôi với những mật nghĩa rất đặc biệt.

Seb là con trai của Shu, hay Thổ thần. Nut là vợ của Seb, hay Thủy thần.

Osiris là con của Seb và Nut, và là vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập. Isis là vợ của Osiris và là hoàng hậu đầu tiên của Ai Cập.

Seth là em của Osiris, tranh giành ngôi Pharaoh với anh, rồi giết anh cắt thây thành mười bốn mảnh chôn quanh Ai Cập.

Isis lúc đó đang có thai, phải bỏ trốn vào một đạo viện và học hỏi được những giáo lý huyền môn. Isis lập đàn, đọc thần chú khiến cho Osiris tuy bị phân thây nhưng các mảnh này tự nhiên ráp lại rồi hồi sinh. Sự hồi sinh của Osiris được giải thích như là sự chiến thắng cái chết, sự chuyển hóa, hay niềm hy vọng của con người.

Isis sinh ra Horus, và chính Horus sau này đã tranh lại ngôi vị Pharaoh từ Seth, chú ruột của mình.

Osiris tuy chết nhưng hồi sinh lại nên trở thành vị thần cai quản cõi chết, có nhiệm vụ xét xử người chết. Isis nhờ học hỏi các kiến thức huyền bí, biết lập đàn tràng, đọc thần chú nên được xem là vị thần trông coi kiến thức huyền môn. Isis thường được thể hiện qua hình ảnh người đàn bà có khuôn mặt được che bằng một tấm lụa mỏng hay một thiếu nữ để một ngón tay lên miệng, ngụ ý rằng chân lý tuyệt đối vốn không thể tiết lộ hay nói được. Horus tượng trưng cho lòng can đảm, sự thật, lẽ phải và thường được vẽ lại qua hình ảnh người có đầu chim ó. Seth vì giết anh, tranh ngôi nên được xem là tượng trưng cho những gì xấu xa, tàn ác, hung dữ và luôn luôn được vẽ như là một người mặc áo đen. Cuộc tranh đấu giữa Horus và Seth còn được xem là sự tranh đấu giữa chánh và tà, giữa thiện và ác, giữa phải và trái, v.v...

Trích sách Dấu chân trên cát – Nguyên Phong.

Mua sách tại đây: https://bit.ly/dauchantrencat-tk

First News - Trí Việt