Kỷ lục của nhà máy thủy điện Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới sau đập Tam Hiệp

Tin thế giới - Ngày đăng : 09:29, 20/12/2022

Bạch Hạc Than - nhà máy thủy điện lớn thứ 2 thế giới ở Trung Quốc sau đập Tam Hiệp - sở hữu những con số kỷ lục.
dap-tq1.jpeg

Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than bắt đầu vận hành đầu tháng 7 vừa qua, theo Hoàn cầu Thời báo. Siêu nhà máy thủy điện nằm trên sông Kim Sa, một nhánh của thượng lưu sông Dương Tử, có tổng chi phí xây dựng 220 tỉ nhân dân tệ (34,07 tỉ USD).

Kể từ khi bắt đầu xây dựng đập Bạch Hạc Than vào năm 2017, dự án đã phải vượt qua những thử thách kỹ thuật cực kỳ khó khăn, phá vỡ một số kỷ lục thế giới bao gồm hang ngầm lớn nhất, thông số chống địa chấn lớn nhất của đập cao 300m, và đập tràn lớn nhất.

dap-tq2.jpeg
Đập Bạch Hạc Than. Ảnh: Xinhua

Công nghệ nội địa

Nhà máy thủy điện nằm ở biên giới của tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam có tổng công suất lắp đặt là 16 triệu kilowatt do 16 tổ máy phát điện tạo ra. Công suất mỗi tổ máy là 1 triệu kilowatt, đây cũng là công suất lớn nhất thế giới đối với 1 tổ máy.

Mỗi tổ máy phát điện cao hơn 50m, trọng lượng hơn 8.000 tấn, tương đương với trọng lượng của một tàu khu trục và hiệu suất lên tới 99%.

"Việc đưa hai tổ máy phát điện đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Bạch Hạc Than vào vận hành phản ánh sự phát triển của công suất tổ máy phát điện thủy điện của Trung Quốc, từ 300.000 kilowatt lên 700.000 kilowatt và cuối cùng là 1 triệu kilowatt" - He Wei, Phó giám đốc Sở Xây dựng và Kỹ thuật Trạm Thủy điện Bạch Hạc Than, cho biết.

dap-tq3.jpeg
Đập Bạch Hạc than lớn chỉ sau đập Tam Hiệp. Ảnh: Xinhua

Ông He lưu ý rằng trước đây, Trung Quốc dựa trên cảm hứng từ những tiến bộ trong khoa học và công nghệ nước ngoài để xây dựng đập Tam Hiệp. Nhưng trong dự án Bạch Hạc Than, Trung Quốc đã xây dựng hoàn toàn độc lập bằng công nghệ của mình.

Để chứa 16 tổ máy phát điện khổng lồ, hai siêu trạm điện, dài 438m và cao 88,7m, đã được xây dựng dưới những ngọn núi ở cả hai bên của con đập, biến chúng trở thành nhà máy điện ngầm lớn nhất trên thế giới.

Tổng chiều dài của các đường hầm để phát điện và kiểm soát lũ lụt là khoảng 217km, tương đương khoảng cách từ Thượng Hải đến Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Để xây căn hầm dưới lòng đất, người ta đã đào tới 25 triệu mét khối, đủ để xây 10 kim tự tháp Ai Cập.

Việc xây dựng một con đập trong thung lũng hẹp hình chữ V của sông Kim Sa có giới hạn về không gian và phải đối mặt với các điều kiện địa chất cực kỳ phức tạp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng "thành phố ngầm" này chỉ mất khoảng 4 năm để hoàn thành.

Đập thuỷ điện Bạch Hạc Than đi vào hoạt động. Video: AFP

Đập thông minh

Việc xây dựng đập Bạch Hạc Than cũng đòi hỏi sự đổi mới đáng kể trong thiết bị kỹ thuật thủy điện và kỹ thuật xây dựng của Trung Quốc.

Trong các khoang ngầm ở tả ngạn của đập Bạch Hạc Than có 3 đường hầm đập tràn được mô tả là những tuyệt tác kỹ thuật và nghệ thuật. Mỗi hầm vượt lũ dài hơn 2.000m, diện tích tràn hơn 200.000m2. Chúng có thể chịu được lưu lượng lớn hơn 12.000m3/giây và tốc độ dòng chảy cao 47m/giây, có thể lấp đầy toàn bộ Hồ Tây (diện tích 650 ha, sâu trung bình 3m), chỉ trong 18 phút.

dap-tq3-01.jpeg
Bạch Hạc Than được ví như đập thông minh nhất thế giới. Ảnh: Xinhua

Nó trông giống như một tác phẩm nghệ thuật vì loại bê tông mới có bề mặt nhẵn và chắc, tạo hiệu ứng phản chiếu. Độ lệch trung bình của toàn bộ tường tràn nhỏ hơn 2mm.

"Khối đá ở thung lũng nơi đặt nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than rất dễ vỡ, thêm vào đó, hình dáng tổng thể của đường hầm đập tràn do chúng tôi thiết kế giống như một đường ray tàu lượn siêu tốc" - Wang Xiaohai, giám đốc dự án đường hầm đập tràn Bạch Hạc Than cho hay.

dap-tq5.jpeg
Dung tích kiểm soát lũ của Bạch Hạc Than là 7,5 tỉ m3. Ảnh: Xinhua

Dung tích kiểm soát lũ lụt của đập là 7,5 tỉ mét khối. Sau khi hoàn thành đập Bạch Hạc Than, tiêu chuẩn kiểm soát lũ lụt của các thành phố dọc theo sông Dương Tử sẽ được cải thiện hơn nữa để giảm lũ hiệu quả ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, trong hoạt động chung của đập Tam Hiệp.

Ông Wang nói: “Sông Dương Tử từng là một con sông mà con người không thể khai thác và sử dụng, nhưng giờ đây, lũ lụt của Dương Tử không còn là một con quái vật nữa mà là một nguồn tài nguyên".

dap-tq4.jpeg
Toàn cảnh đập Bạch Hạc Than. Ảnh: Xinhua

Ngoài ra, đập thuỷ điện lớn thứ hai thế giới còn được gắn hàng nghìn cảm biến, có thể đo nhiệt độ, biến dạng, ứng suất và các thông tin quan trọng khác. Thông tin này được thu thập và truyền theo thời gian thực tới nền tảng quản lý xây dựng thông minh của trạm thủy điện, iDam, cho phép điều khiển chính xác theo thời gian thực các thông số khác nhau của dự án, biến Bạch Hạc Than trở thành đập thông minh nhất thế giới.