Nỗi buồn cam sành Hàm Yên: Nguy cơ mai một thương hiệu

Bất động sản - Ngày đăng : 09:12, 20/12/2022

Tuyên Quang - Diện tích và sản lượng sụt giảm trong khi giá thu mua thất thường đã khiến vùng cam sành Hàm Yên không còn sôi động như vốn có. Mặc dù là một loại trái cây chủ lực nhưng nguy cơ mất thương hiệu là điều nhiều người đã nghĩ tới.
Nỗi buồn cam sành Hàm Yên: Nguy cơ mai một thương hiệu
Cây cam sành vốn là sản phẩm chủ lực của tỉnh Tuyên Quang nhưng với tình trạng hiện nay đang có nguy cơ ảnh hưởng tới thương hiệu. Ảnh: Phùng Minh

Diện tích sụt giảm

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2021 đến nay, diện tích trồng cam sành trên địa bàn đã giảm từ gần 8.300 ha xuống còn 7.500 ha.

Số này chủ yếu tại huyện Hàm Yên và tập trung tại một số xã vốn là "thủ phủ" của vùng cam như Phù Lưu hay Tân Thành. Sâu bệnh, thời tiết bất lợi và giá bán thất thường đã khiến cây cam đang bị nhiều người chặt bỏ để tìm đến loại cây trồng khác.

Ông Trần Đình Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, nếu như năm 2021 toàn xã có gần 2.400 ha cam thì đến năm 2022 chỉ còn hơn 1.350 ha. Trong vòng 2 năm, hơn 1.000 ha diện tích trồng cam đã bị chặt bỏ và thay thế bằng các loại cây trồng khác.

Diện tích cam đang có chiều hướng thu hẹp lại khiến sản lượng quả cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Diện tích cam đang có chiều hướng thu hẹp lại khiến sản lượng quả cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

"Cũng dễ hiểu khi cây cam già, sâu bệnh cho năng suất thấp, trong khi đó giá bán thì lại thấp. Người dân đầu tư vào mà cứ lỗ qua các năm thì buộc phải tìm đến những cây khác thôi" - ông Quý cho hay.

Trong khi đó, tại xã Tân Thành hiện nay có khoảng 600 hộ trồng cam. Nếu như thời điểm cây cam đang cho giá trị cao, diện tích trồng lên tới gần 900 ha thì nay giảm chỉ còn khoảng  400 ha. Sản lượng cũng giảm xuống gần một nửa.

Theo ông Đỗ Hữu Ngọc - Chủ tịch UBND xã Tân Thành, diện tích và sản lượng giảm gần một nửa như thế chắc chăn là ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Bên cạnh đó định hướng và những chỉ tiêu về phát triển cây cam sành mà xã được giao cũng không thể hoàn thành.

Nhiều cây trong vườn cam xuất hiện tình trạng vàng lá, lụi đi và chết dần khiến sản lượng cam giảm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Nhiều ha cam sành tại Hàm Yên đang lụi dần bởi sức chống chọi với sâu bệnh kém. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Tuy vậy, vị này vẫn khá lạc quan: "Diện tích trồng cam bị thu hẹp thì có thể phục hồi trong thời gian tới bởi đề án phát triển đã có. Sợ nhất vỡ quy hoạch, khi mà lúc cam được giá người dân ồ ạt trồng gây hệ huỵ cho những giai đoạn sau".

Không đạt quy hoạch

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đàm Ngọc Hưng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hàm Yên cho rằng, những năm trước, khi giá cam cao từ 12.000 – 15.000 đồng/kg thậm chí cam VietGap giá còn cao hơn thì, nhiều hộ dân ồ ạt trồng. Đã có lúc diện tích cam tăng đột biến.

"Tuy nhiên, gần đây khi giá cam rẻ cùng với năng suất cây cam sụt giảm cùng chi phí đầu tư cao đã khiến nhiều người không còn chọn cây cam là cây "làm giàu" nữa. Không chăm sóc hoặc chặt bỏ, diện tích sụt giảm và dẫn tới không đạt theo quy hoạch đã đề ra" - ông Hưng thông tin.

Còn theo ông Phạm Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm cây ăn quả  Hàm Yên, toàn huyện có khoảng 5.500 hộ trồng cam. Tổng diện tích theo quy hoạch vùng cam đã được phê duyệt phải đạt khoảng 7.200 ha và phân bổ tại 13 xã, thị trấn. Đến nay con số này không những không đạt mà còn đang sụt giảm.

Hiện tại, cây cam sành đã không còn được nhiều người dân mặn mà như trước bởi giá trị thu về không còn cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Hiện tại, cây cam sành đã không còn được nhiều người dân mặn mà như trước bởi giá trị thu về không còn cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn

"Số liệu báo cáo chung thì toàn huyện hiện còn khoảng 6.200 ha nhưng qua rà soát diện tích thực tế tại các xã thì chỉ còn khoảng 4.500 ha. Giảm nhiều nhất tập trung 2 xã Phù Lưu và Tân Thành.

Vấn đề này đang là mối quan tâm của tỉnh và huyện thời gian qua. Chúng tôi rất lo diện tích cam sẽ không đạt theo quy hoạch đã đề ra vì đây là cây chủ lực nằm trong đề án” - ông Hùng cho hay.

Mặc dù vậy, cây cam cũng sẽ không thể trồng lại ngay trên đất cũ bởi còn phải cải tạo bằng cách trồng loại cây khác, quá trình này thường mất vài năm. Nếu không có những diện tích cho thu hoạch luôn phiên chắc chắn quả cam Hàm Yên sẽ khó giữ được vị thế trên thị trường.

Ông Hùng cho rằng: “Trong thời gian từ 1 – 2 năm khó có thể phục hồi nên phải chấp nhận việc diện tích cam tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới. Còn về lâu về dài thì vẫn phải là trồng cam với những khu vực này bởi quy hoạch đã có, quan trọng nhất là giữ thương hiệu đã tốn nhiều công tạo dựng”.