Ngắm Bảo vật Quốc gia MiG-21 từng bắn rơi nhiều máy bay B-52 của Mỹ
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:04, 20/12/2022
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình) đặt trang trọng ở sân lớn là chiếc máy bay chiến đấu MiG-21, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.
Chiếc MiG-21 do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, thuộc biên chế của Trung đoàn Không Quân 921 - Đoàn Không quân Sao Đỏ, Sư đoàn 371.
Khi hoạt động trong không quân Việt Nam, chiếc máy bay mang số hiệu 4324. Từ tháng 1/1967 - 5/1969, có 9 phi công lần lượt lái chiếc máy bay này. Trong đó 8/9 phi công được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Là loại máy bay thường được sử dụng trong các chiến dịch tấn công, MiG-21 được trang bị 2 súng máy và có thể mang theo 6 quả tên lửa. Trong ảnh là một số loại vũ khí gắn kèm ở phần dưới thân máy bay.
Trong khoảng thời gian các phi công Việt Nam lái chiếc MiG-21 chiến đấu tấn công quân địch, chiếc máy bay đã cùng họ lập chiến công bắn hạ 14 máy bay Mỹ. Trong ảnh là 14 ngôi sao được in trang trọng lên thân máy bay, mỗi ngôi sao đỏ tượng trưng một lần bắn rơi máy bay địch.
Các chuyên gia nhận định, chiếc MiG-21 thế hệ thứ 3 này là một trong những máy bay quân sự ổn định nhất từng được chế tạo, chỉ có một vài mẫu máy bay quân sự có thể "trường tồn với thời gian" và một trong số đó là chiếc MiG-21. Hình ảnh những dòng chữ Nga được in khá nhiều lên các bộ phận phía ngoài phần thân vỏ.
Máy bay MiG-21 đạt tốc độ tối đa Mach 2. Trong giai đoạn từ năm 1959 - 1985, Liên Xô đã chế tạo tổng cộng 10.645 chiếc MiG 21. Hiện tại vẫn còn một số quốc gia còn sử dụng loại máy bay chiến đấu này.
Chiếc MiG-21 đang là một hiện vật trưng bày thu hút rất nhiều quan tâm của khách thăm quan, trong đó có nhiều đoàn học sinh đến thăm quan tìm hiểu.
Tại Bảo tàng Chiến thắng B.52 ở phố Đội Cấn (Ba Đình), xác một chiếc máy bay B-52 do Mỹ sản xuất, được trưng bày theo tỉ lệ 1/1. Đây là chiếc máy bay ném bom B-52 do Mỹ sản xuất, đã bị quân và dân Thủ đô bắn hạ trong cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam tháng 12/1972.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 có 8 động cơ, được trang bị các phương tiện dẫn đường, ném bom rải thảm và tác chiến điện tử hiện đại. Có thể ném bom ở độ cao 9.100m với trọng lượng bom trên 27 tấn. Ảnh chụp phần động cơ của B-52.
B-52 có sải cánh 56.39m; Dài 49,05m; Cao 12,40m. Trọng lượng không tải 77,2 tấn; Trọng lượng cất cánh tối đa 221,35 tấn. Tầm hoạt động tối đa khi có tiếp dầu lên đến 20.120km. Kíp lái 6 người. Trong ảnh là phần đuôi máy bay B-52.
Nhận định về sức tàn phá của B-52 Thời báo New York có đoạn: "Sẽ không còn một sinh vật nào tồn tại nổi được những trận mưa bom kinh khủng của B-52. Đối phương sẽ bị hủy diệt về quân sự, khiếp đảm về tinh thần, và cảm thấy hoàn toàn bất lực mà không có cách gì chống đỡ nổi".
Một mảnh xác B-52 khác hiện vẫn còn nằm dưới lòng hồ Hữu Tiệp, trong khu dân cư phường Ngọc Hà (Ba Đình) sau khi bị bắn rơi trên bầu trời Thủ đô.
Cách đây 50 năm, lúc 23h05 ngày 27/12/1972, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 tên lửa phòng không đã bắn rơi tại chỗ một máy bay B-52G của đế quốc Mỹ khi xâm phạm vùng trời Hà Nội. Một mảnh xác máy bay đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp nay đã trở thành một di tích lịch sử.
Trong 12 ngày đêm, từ 18/12 - 29/12/1972 miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, riêng Hà Nội bắn hạ 25 chiếc máy bay B-52, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không hào hùng.
Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52, hay B gì đi chăng nữa chúng ta vẫn đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".
Hiện nay hồ Hữu Tiệp nơi còn lưu giữ xác chiếc máy bay B-52 rơi năm xưa đã trở thành di tích, là một điểm thăm quan rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách nước ngoài.