Vì sao tồn tại nhiều nhà kỳ dị "chẳng giống ai" giữa thủ đô?

Nhịp sống - Ngày đăng : 08:00, 20/12/2022

Thực tế ở Hà Nội có những tuyến đường mới mở, nhà siêu mỏng, siêu méo, hình dáng kỳ dị "chẳng giống ai" nhưng được trả giá tới gần 1 tỷ đồng/m2.

Ghi nhận tại các tuyến đường lớn mới được mở rộng của thành phố Hà Nội như, Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Vành đai 2... vẫn còn không ít những ngôi nhà siêu mỏng có diện tích rất nhỏ, trông "chẳng giống ai" gây mất mỹ quan đô thị.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Sau khi giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công tuyến đường Vành đai 2 trên địa bàn có khoảng 130 trường hợp không đủ điều kiện về xây dựng (diện tích nhỏ hơn 15m2).

Sau đó, quận đã có thủ tục cho các hộ "hợp thửa, hợp khối" và còn lại 47 trường hợp trải dài trên 3 phường là Đồng Tâm, Minh Khai, Trương Định không đồng ý việc này.

Vì sao tồn tại nhiều nhà kỳ dị chẳng giống ai giữa thủ đô? - 1

Căn nhà siêu mỏng nằm trên phố Võ Chí Công có chiều sâu khoảng 25cm nhưng mặt tiền rộng hơn 4 mét.

Đối với 47 trường hợp này, quận Hai Bà Trưng đưa vào làm dự án vườn hoa, điểm công cộng... theo đúng chỉ đạo của Thành phố.

Hiện nay, địa phương đã thực hiện dự án được 41 trường hợp, 4 trường hợp đang thi công dở, 2 trường hợp còn lại vướng về chính sách trước đây.

Nói về những ngôi nhà "chẳng giống ai" giữa Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh: Nguyên nhân dẫn đến nhà siêu mỏng, siêu méo do khi đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, đáng nhẽ khi làm đường phát hiện các căn nhà như vậy trong quy hoạch thì ngay lúc đó nên có cơ chế, chính sách giải quyết.

Theo ông Nghiêm, để giải quyết tình trạng trên Nhà nước cần có nguồn ngân sách ưu đãi đối với những căn nhà kì dị này bởi diện tích của chúng nhỏ nhưng  ở mặt đường mới mở nên giá trị cao.

Vì sao tồn tại nhiều nhà kỳ dị chẳng giống ai giữa thủ đô? - 2

Một trạm trực có hình dáng "kỳ dị" nằm tại ngã 4 Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên.

Bên cạnh đó, có thể "hợp khối" với các nhà dân xung quanh, nhưng việc này khó bởi đất "mặt tiền" hợp với dịch vụ, thương mại nên người mua phải trả với giá cao. Thực tế ở Hà Nội có những tuyến đường mới mở, nhưng nhà siêu mỏng, siêu méo được trả gần 1 tỷ đồng/m2.

Ông Nghiêm nhấn mạnh rằng, giải pháp tốt nhất là thực hiện đúng theo khung pháp lý, khi quy hoạch phát hiện ra những hộ có diện tích đất nhỏ, hẹp thì phải có chính sách thu hồi ngay.

"Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn còn và thành phố cần chú trọng giải quyết tồn đọng này, đừng xem như việc đã rồi, "không phải của tôi", điều này là không được", ông Nghiêm nói.

Ông cũng cho biết thêm, việc xuất hiện những căn nhà "kỳ dị" từ thời điểm 2005 - 2006 do lúc đó chưa có ngân sách để trả cho người dân.

Vì sao tồn tại nhiều nhà kỳ dị chẳng giống ai giữa thủ đô? - 3

Căn nhà cấp 4 rộng khoảng 4 mét vuông trên phố Đại La.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo có thể nói do lịch sử để lại, gây mất mỹ quan đô thị và Hà Nội đang có kế hoạch "dẹp" những căn nhà này nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, không thể giải quyết trong "ngày một, ngày hai".

Bà An cho rằng, bài toán được đặt ra là tìm lời giải thế nào cho hợp lý nhất, vừa phù hợp với lòng dân, lại hợp ngân sách Nhà nước.

"Để khắc phục tình trạng trên thì từ thành phố, quận, phường và người dân ngồi cùng bàn bạc và đi đến thỏa thuận để giải quyết vấn đề. Việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo cần làm nhanh vì Hà Nội là Thủ đô - trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước...", bà An nói.

PV