Hội thảo Văn hóa 2022: Kiến nghị 9 nhóm chính sách, thể chế và 7 giải pháp cần thực hiện ngay để chấn hưng nền văn hóa
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 17:12, 19/12/2022
Chiều tối 17/12, sau một ngày làm việc khẩn trương, khoa học, Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã thành công tốt đẹp. Sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhân dân và cử tri cả nước.
Hội thảo đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn, gợi mở các nội dung thảo luận; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo Văn hóa 2022. (Ảnh: Ngọc Hải) |
Rất nhiều tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước và hai phiên thảo luận bàn tròn đã trao đổi rất toàn diện các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Với không khí sôi nổi, các ý kiến tham luận trí tuệ, sâu sắc và trách nhiệm, có tính xây dựng cao trên tinh thần chia sẻ, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và thiết thực.
Theo thống kê của Ban tổ chức, đã có 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại TP. Bắc Ninh, trong đó có rất nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 4 Lãnh đạo Quốc hội; 27 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 13/18 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 Bộ trưởng/trưởng ngành, 7 Bí thư Tỉnh ủy; 10 Phó Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; 19 Phó trưởng Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; 25 Thứ trưởng và tương đương... Hội thảo còn có sự tham dự của 110 chuyên gia, nhà khoa học; 9 cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hóa nghệ thuật trong cả nước; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế. Các đại biểu tham dự trực tiếp đến từ 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với đó là rất nhiều đại biểu trực tiếp làm công tác văn hoá và có liên quan đến lĩnh vực hết sức quan trọng này. Có 2.000 đại biểu theo dõi trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước, trong đó có những điểm cầu lên tới 600-700 người; khoảng 10 nghìn lượt người theo dõi trên Cổng thông tin điện tử và website của Hội thảo; 30 nghìn người xem trên các nền tảng trực tuyến, gần 200 nghìn người tiếp cận trên các nền tảng số. 53 cơ quan thông tấn báo chí với hơn 150 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia đưa tin về Hội thảo. |
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, văn hóa có vị trí, vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay sau khi nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi và trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng Nhà nước ta đều hết sức coi trọng vai trò của văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong các đột phá chiến lược trong giai đoạn tới là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Việc hoàn thiện thể chế chính sách và khơi thông các nguồn lực để phát triển văn hoá là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào việc chấn hưng văn hoá, cụ thể hóa và hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng ta mà đồng chí Tổng Bí thư nhấn rất mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Chúng ta chọn chủ đề này vì đường lối, chủ trương thì đã rất rõ, lần này tiếp tục góp phần thấm nhuần về quan điểm, thông suốt về tư tưởng và quan trọng nhất bây giờ là xác định rõ những việc gì phải làm về thể chế, về chính sách, về nguồn lực để hiện thực hóa được mục tiêu đã đề ra, để văn hóa thực sự ngang hàng với chính trị, kinh tế...".
Hai phiên thảo luận bàn tròn đã trao đổi rất toàn diện các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá. (Ảnh: Phạm Thắng) |
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc.
Thể chế, chính sách, pháp luật về văn hóa còn chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, một số quy định còn bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Một số lĩnh vực còn thiếu văn bản pháp luật điều chỉnh.
Tổ chức thực thi pháp luật vẫn còn là khâu không yếu thì cũng chưa mạnh. Thể chế về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hoá chậm được hoàn thiện. Việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực này cũng phải rà soát lại, không thể làm máy móc được.
Nhấn mạnh đến 9 nhóm chính sách, thể chế lớn, 7 kiến nghị cần thực hiện ngay để chấn hưng nền văn hóa được đề cập tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, bảo đảm mức chi đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8-2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm; tiếp tục khơi thông các nguồn lực của doanh nghiệp, xã hội và thí điểm các chính sách về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế văn hóa phải bảo đảm các yêu cầu căn bản: tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn.
Ngoài ra, văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa như về văn hóa nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, quyền tác giả và quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ, thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế…
Sau đó, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông, tín ngưỡng tôn giáo.
Hội thảo thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhân dân và cử tri cả nước. (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Hội thảo thống nhất 9 nhóm chính sách lớn tạo đột phá cho phát triển văn hóa: Một là, chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện. Con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Tất cả chính sách đều hướng tới mục tiêu cao nhất là phát triển con người Việt Nam toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa. Hai là, chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả. Ba là, chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Có chính sách đầu tư để phát triển truyền hình và phát thanh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn; hình thành các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan truyền thông mạnh, có năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng ở tầm khu vực, quốc tế. Bốn là, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc như tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nước nào cũng có được và chúng ta phải có trách nhiệm trân trọng, gìn giữ và phát huy. Năm là, chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật, cần bổ sung chính sách riêng biệt cho hoạt động sáng tạo của các ngành nghệ thuật chuyên biệt còn thiếu như sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm… Sáu là, phát triển các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng; phấn đấu có tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm ngày thành lập Nước vào năm 2045. Bảy là, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện 4 nhóm chính sách, để tạo đột phá cho phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa. Đó là chính sách chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị thị trường văn hóa; chính sách hợp tác công tư để nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng và huy động tài chính trên thị trường văn hóa; Chính sách khuyến khích bảo vệ nội dung sáng tạo, quyền tác giả và các quyền liên quan; chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, một số sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế; thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại. Tám là, nhóm chính sách về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Chín là, chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần coi phát triển nguồn nhân lực văn hoá là "khâu đột phá" trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Hội thảo thống nhất như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 muốn văn hóa mạnh phải tăng đầu tư… Chủ tịch Quốc hội mong muốn tăng đầu tư của cả trung ương và địa phương không chỉ trong khung dự toán mà còn phải nhiều hơn nữa, đồng thời với việc khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội. Hội thảo kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay: Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra ở trên là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này. Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn. Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa. Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm. Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa. |