Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị tù chung thân
Pháp luật - Ngày đăng : 11:19, 19/12/2022
Ngày 19/12, phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và các đồng phạm bước vào phần tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện VKSND trình bày quan điểm về vụ án.
Theo đại diện VKSND, đất đai là tài sản toàn dân nhưng do Nhà nước quản lý, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tách thửa. Nhà nước cũng khuyến khích đầu tư vào đất đai.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách này để tự tách thửa, phân lô bán nền trái pháp luật để lừa đảo khách hàng. Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Alibaba là một điển hình.
Để tạo sự tin tưởng về quy mô hoạt động của Công ty Alibaba đối với khách hàng, công ty này đã đăng tải những thông tin không có thật lên các trang mạng xã hội.
Nguyễn Thái Luyện đã để người thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu… rồi ủy quyền cho các công ty con của Công ty Alibaba. Sau đó, Luyện chỉ đạo vẽ dự án không có thật để dụ dỗ, lôi kéo khách hàng.
Thậm chí có những thửa đất vừa mới đặt cọc hoặc chưa mua, Luyện cũng chỉ đạo nhân viên vẽ dự án để bán cho khách hàng.
UBND các địa phương nơi Công ty Alibaba lập dự án không hề nhận được hồ sơ xin lập dự án và Công ty Alibaba cũng không làm thủ tục xin cấp phép đầu tư dự án phân lô, bán nền tại cả 58 dự án.
Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã sử dụng chiêu thức bán giá rẻ, có những lô đất chỉ có giá hơn 100 triệu đồng, bán trả góp mỗi tháng 2-3 triệu, thu mua lại giá cao, trả lãi…để lừa đảo khách hàng.
Vì vậy, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện thừa nhận đã chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động của Công ty Alibaba và các công ty con. Các bị cáo đều khai, tất cả mọi hoạt động đều làm theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Tuy nhiên, bị cáo Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng VKSND truy tố bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có căn cứ.
VKSND nhận thấy, Nguyễn Thái Luyện có kiến thức pháp luật hơn cả. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã dẫn chứng nhiều điều luật về đất đai, luật kinh doanh bất động sản. Vì vây, bị cáo biết và buộc phải biết các quy định của pháp luật. Một dự án được huy động vốn, được phép giao dịch thì phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
58 dự án đã được bán nhưng cả 58 dự án chưa được bất cứ cơ quan nào cấp phép và cũng chưa được các doanh nghiệp xin cấp phép.
Bị cáo khẳng định có đủ tiền để trả gốc và lãi, nhưng tại phiên tòa nhiều khách hàng khai nhiều hợp đồng đã hết hạn nhưng không được Công ty Alibaba trả gốc và lãi.
Nhiều khách hàng đề nghị trả lại đất vì họ khai đã được nhân viên dẫn đi xem dự án an cư, điều này VKSND chia sẻ với khách hàng vì đã không có điều kiện tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, các dự án an cư của Alibaba sẽ không bao giờ có vì không được cấp phép, chưa được giải phóng mặt bằng…
Mặc dù bị cáo Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng thủ đoạn của bị cáo rất tinh vi. Bị cáo đã huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp tác kinh doanh, mua bán dự án không có thật để chiếm đoạt tiền của hàng nghìn khách hàng.
Bị cáo đã vi phạm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản…vì vậy, cần phải có mức án nghiêm khắc đối với bị cáo.
Đối với bị cáo Nguyễn Thái Lực, Võ Thị Thanh Mai, Huỳnh Thị Kim Thắng, không thừa nhận hành vi “Rửa tiền”. Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định, sau khi bị cáo Thắng tất toán tiền tiết kiệm đã chuyển vào tài khoản của bị cáo Mai, sau đó Mai đã chỉ đạo bị cáo Lực rút 13 tỷ đồng về cho mình. Các bị cáo đã thừa nhận số tiền này có nguồn gốc từ Công ty Alibaba. Đến nay, CQĐT chưa thu hồi được số tiền này.
Vì vậy, việc truy tố các bị cáo về tội “Rửa tiền” là hoàn toàn có cơ sở.
Từ các lẽ trên, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân; Nguyễn Thái Lĩnh 16-18 năm cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguyễn Thái Lực 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10-12 về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 30 năm tù; Võ Thị Thanh Mai 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12-14 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 30 năm tù; bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng 5 năm tù về tội "Rửa tiền".
Các bị cáo khác từ 12-13 năm và 20 năm cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về dân sự, tiếp tục tạm giữ, kê biên tiền, bất động sản, xe của các bị cáo để đảm bảo thi hành án. Buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới bồi thường thiệt hại cho các bị hại.