Thủ phủ trồng phật thủ ở ngoại thành Hà Nội tất bật vào vụ Tết
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:00, 19/12/2022
Theo quan niệm dân gian, phật thủ là loại quả mang ý nghĩa nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới. Do đó, loại quả này được nhiều người dân lựa chọn bày lên bàn thờ gia tiên ngày Tết.
Cứ vào dịp cuối năm, khu vườn nhà chị Trần Thị Tuyên ở Đan Phượng (Hà Nội) lại tất bật chăm sóc, cắt tỉa hàng trăm gốc phật thủ để tung ra thị trường.
Chia sẻ với phóng viên, chị Tuyên cho biết, gia đình nhà chị trồng được gần 2 mẫu cây phật thủ với hơn 400 gốc. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây đẹp, quả đẹp và đều quả. Một quả phật thủ đẹp phải to, tròn trái, các ngón của quả phật thủ phải đều, nhiều ngón, ngón to nhô lên, đường kính rộng thì mới đẹp.
Cũng theo chị Tuyên, năm nay, bán chậm hơn năm ngoái, giá phật thủ cũng không cao bằng năm trước khi có dịch bệnh Covid-19. Giá bán mỗi quả phật thủ tại vườn dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/quả. Còn loại đột biến, số lượng rất ít có giá từ 80.000 - 200.000 đồng/quả.
Phật thủ để được khoảng từ 3 đến 5 tháng, để càng lâu càng thơm, càng đẹp. Quả có nhiều dáng, một số người thích dáng bông cúc, có người thích quả nhiều ngón tay…
Được mệnh danh là loài cây khó tính, vì vậy loài cây này đòi hỏi sự chăm sóc cao, các chủ vườn cũng phải tính toán, theo dõi sát sao thời tiết.
"Những quả xấu thì chúng tôi sẽ hái và bán cho thương lái tới tại vườn thu mua để làm tinh dầu phật thủ", chị Tuyên chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, trung bình khoảng 2 năm cây phật thủ sẽ được thu hoạch. Vòng đời của cây cũng chỉ 5 - 6 năm là phải chuyển tới vùng đất mới canh tác, còn vùng đất cũ sẽ được cải tạo lại vài năm mới có thể quay lại trồng lứa mới.
Theo người dân xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) cho biết, hầu hết, các vườn phật thủ ở xã Đồng Tháp (Đan Phượng) đều là của người dân tại thủ phủ trồng phật thủ ở xã Đắc Sở tới thuê đất để canh tác trong khi chờ cải tạo lại đất.