Giảm lãi suất cho vay, cuộc chạy đua cho hạn mức tín dụng năm 2023?

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:00, 18/12/2022

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm ổn định thanh khoản từ nay đến Tết nguyên đán 2023. Đây được coi là một động thái nhằm chạy đua hạn mức tín dụng của các ngân hàng cho năm 2023.

Ngày 16/12, Ngân hàng Sacombank công bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vào dịp cuối năm và Tết nguyên đán.

Bên cạnh đó, đối với khách hàng giao dịch lâu năm và có kế hoạch kinh doanh khả thi, Sacombank còn có thể giảm thêm, lên mức 1,5%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Vietcombank vừa phát đi thông báo giảm từ 0,2%/năm đến 1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng cần vốn lưu động phục vụ kinh doanh dịp Tết 2023.

Nhờ đó, lãi suất cho vay giảm xuống chỉ còn 7,3%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, 7,6%/năm đối với khách hàng cá nhân. Chương trình áp dụng từ ngày 14/12/2022 đến ngày 14/1/2023.

Trước đó, từ 1/11 đến hết 31/12, ngân hàng này đã áp dụng giảm lãi suất 1%/năm đối với tất cả các khoản vay bằng VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Các ngân hàng chạy đua giảm lãi suất cho vay. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Trong khi đó, Ngân hàng SHB thì đưa ra chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhà băng này sẽ hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh...

Ngoài ra, SHB hỗ trợ doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân.

Một số ngân hàng như Agribank, ACB, HDBank và Sacombank đều có các chương trình giảm lãi suất cho vay.

Hôm 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực, trong đó có xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ…

NHNN nhấn mạnh, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Tiếp đó, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức họp với các đại diện các TCTD bàn về việc thống nhất lãi suất huy động, nhằm ổn định lãi suất và các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Tại cuộc họp này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để NHNN có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho ngân hàng đó, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại...

VNBA cho rằng, vừa qua, một số ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động, gây ra tình trạng cạnh tranh gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.

Tính đến ngày 14/12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động từ 6,1-8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%. Do lãi suất cho vay được đẩy cao, khách hàng càng khó tiếp cận được nguồn vốn.