Về nơi từng là "làng ung thư" ở Phú Thọ

Nhịp sống - Ngày đăng : 01:00, 18/12/2022

Phú Thọ - Hơn một thập kỷ trước, xã Thạch Sơn của huyện Lâm Thao từng được biết đến với biệt danh là "làng ung thư", với tỷ lệ người mắc ung thư cao nhất cả nước. Tuy nhiên, biệt danh đầy ám ảnh đó đã và đang từng bước được xóa bỏ.
Về nơi từng là
"Làng ung thư" một thời - Thạch Sơn từng có hàng trăm lò gạch thủ công đến nay vẫn dễ dàng nhìn thấy dù đã dừng hoạt động từ lâu. Ảnh: Tô Công.

Nỗi ám ảnh một thời

Những năm 2005, 2006, cái biệt danh "làng ung thư" Thạch Sơn xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những hình ảnh về sự ô nhiễm bầu không khí, nguồn nước và những con số về số người mắc, người chết vì bệnh ung thư được cập nhật qua mỗi tháng, mỗi năm... từng là nỗi ám ảnh một thời.

Thời điểm đó, xã Thạch Sơn nói riêng và huyện Lâm Thao nói chung phát triển ồ ạt về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vấn đề về môi trường chưa được mấy ai để ý đến.

Thế rồi, con số 137 người chết vì ung thư ở xã Thạch Sơn từ năm 1995 đến năm 2005 được công bố khiến ai cũng choáng váng.

Ông Trần Văn Nhân - người dân sống tại khu 1, xã Thạch Sơn kể lại, những năm đó, bầu không khí ở nơi đây luôn dày đặc những làn khói bụi nghi ngút, khét lẹt phả ra từ các nhà máy, lò gạch. Cùng với đó, nguồn nước mặt và nước ngầm đều bị ô nhiễm nặng nề.

 
Cách đây hơn 1 thập kỷ, môi trường ở đây từng bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Tô Công.

"Hồi đó, thở cũng thấy sợ, uống nước cũng thấy sợ, đến cả rau, cả cá ngoài đồng người ta cũng xác định nhiễm phóng xạ nặng nề, cái gì cũng ô nhiễm. Thế rồi, hết người này đến người kia bị ung thư rồi chết, Thạch Sơn từng giống như một vùng đất chết" - ông Nhân hồi tưởng.

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành tại xã Thạch Sơn đầu năm 2006, không khí ở đây bị đầu độc nghiêm trọng bởi các loại khí thải công nghiệp như SO2, SO3, chì, H2S, NH3, HCl, HF, NO2... với hàm lượng vượt chuẩn cho phép.

Các ao hồ có hàm lượng cao NH4+, đồng, sắt, măngan, asen, chì - là những kim loại nặng có khả năng dẫn đến nhiều bệnh tật cực kỳ nguy hiểm...

Cũng theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời điểm đó, trong số 15 cơ sở gây ô nhiễm nặng nề nhất có Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú.

 
Về xã Thạch Sơn hiện tại, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, cuộc sống người dân yên bình. Ảnh: Tô Công.

Hồi sinh vùng đất chết

Dọc theo bờ tả sông Hồng, qua địa phận xã Thạch Sơn những ngày đầu tháng 12.2022, không khó để PV ghi nhận những lò gạch thủ công "một thời đỏ lửa" nay đã dừng hoạt động, nằm xen kẽ những khu vườn rậm rạp, những cánh đồng xanh mướt.

Xã Thạch Sơn - nơi từng là thủ phủ lò gạch thủ công ở Phú Thọ với 84 lò đốt lớn nhỏ (năm 2004), đến năm 2009, địa phương này cơ bản xóa bỏ lò gạch thủ công. Những năm sau đó, 20 lò gạch kiểu đứng liên hoàn được tái đầu tư, đến năm 2020 cũng hoàn toàn bị xóa bỏ.

Nhớ lại những ngày đó, ông Lê Quang Vinh - Chủ tịch HĐND xã Thạch Sơn (cựu Chủ tịch UBND xã) kể lại: "Lò gạch thủ công từng là sinh kế của hàng ngàn người lao động. Vì vậy, để xóa bỏ loại hình sản xuất gạch này là vô cùng khó khăn, có thể nói, thành công của việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở xã Thạch Sơn giống như một cuộc cách mạng".

 
Màu xanh đã trở lại với "làng ung thư" một thời. Ảnh: Tô Công.

Cũng theo ông Vinh, song song với việc xóa bỏ lò gạch thủ công, các doanh nghiệp lớn trong khu vực cũng đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường.

Với Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, ngay từ năm 2008, doanh nghiệp phân bón này đã đầu tư 47 tỉ đồng để đầu tư, thay mới hệ thống xử lý nước thải, khí thải và các chất thải nguy hại.

"Những năm sau đó, Công ty Supe tiếp tục đầu tư, cải tiến thêm nhiều cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đến nay cơ bản môi trường đã đảm bảo. Riêng với Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú, từ đó đến nay, hoạt động rất ít, không đáng kể, gần như là dừng hoạt động" - ông Vinh cho biết thêm.

Hơn một thập kỷ qua, những nỗ lực dài hơi của người dân, doanh nghiệp và chính quyền về việc xóa bỏ biệt danh "làng ung thư" tại xã Thạch Sơn đã mang lại hiệu quả.

Về với xã Thạch Sơn hôm nay, những nỗi sợ về căn bệnh "tử thần" - ung thư giờ đã không còn.