Ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm cá tra

Tin tức - Ngày đăng : 16:09, 17/12/2022

Đồng bằng sông Cửu Lonh cần tăng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra theo hướng ổn định.

Ung dung khoa hoc cong nghe de gia tang gia tri san pham ca tra hinh anh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Trong khuôn khổ chương trình Lễ hội cá tra lần thứ I, ngày 17/12, tại thành phố Hồng Ngự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, tiềm năng, lợi thế về thủy sản, nhất là nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn nhưng chưa được khai thác hết, trong quá trình phát triển ngành hàng cá tra phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là thiếu hụt nguồn giống cá tra bố mẹ chất lượng cao; tỷ lệ cá tra sống khi ương dưỡng từ giai đoạn cá bột đến cá giống còn thấp; chất lượng con giống chưa được kiểm soát tốt…

Ông Phùng Đức Tiến cho rằng để phát triển ngành hàng cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long cần khắc phục những hạn chế nói trên. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra theo hướng ổn định.

Việc ứng dựng khoa học công nghệ tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến cá tra góp phần cải thiện quy trình nuôi, đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn, có giá trị cao; giải quyết những vấn đề về kiểm soát môi trường; giảm chi phí sản xuất… Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành hàng cá tra.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành hàng cá tra. Điển hình như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi và chế biến cá tra đảm bảo xuất khẩu. Giai đoạn cá thịt, công ty thử nghiệm quy trình nuôi cá hạn chế thay nước (IPRS, vi sinh xử lý môi trường); ưu tiên sử dụng vi sinh có lợi, kiểm soát vi sinh gây hại, hạn chế sử dụng kháng sinh. Công ty sử dụng phụ phẩm sau chế biến cá tra để sản xuất collagen, dầu cá; áp dựng công nghệ hiện đại xử lý nước thải chế biến, làm phân bón từ bùn thải nhà máy.

Còn Tập đoàn Việt Úc (tỉnh An Giang) ứng dụng công nghệ để chọn tạo giống cá tra nâng cao chất lượng xuất khẩu; Tập đoàn Mỹ Lan (tỉnh Trà Vinh) đã ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nuôi cá tra...

Tại hội thảo, đại biểu được nghe đại diện các sở, viện, trường trình bày báo cáo chuyên đề liên quan đến ngành hàng cá tra như kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng cá tra; tăng cường sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa; hiện trạng sản xuất và chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; thực trạng chế biến và tiêu thụ các sản phẩm cá tra, định hướng và giải pháp…

Ung dung khoa hoc cong nghe de gia tang gia tri san pham ca tra hinh anh 2Ký kết biên bản ghi nhớ liên quan đến hoạt động phát triển ngành hàng cá tra. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt những yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Thiết bị, công nghệ sản xuất phụ phẩm dầu cá và bột cá tra tương đối hiện đại và đồng bộ.

Tuy nhiên, khâu chế biến cá tra còn những tồn tại như cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, sản phẩm đông lạnh chiếm đến trên 97%. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra.

Trong dịp này, Tiểu nhóm công tác ngành hàng cá tra (gồm Tổng cục Thủy sản, Công ty cổ phần tập đoàn MFC, Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững) thuộc khuôn khổ nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) thủy sản đã ký kết biên bản ghi nhớ liên quan đến hoạt động phát triển ngành hàng cá tra.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn một số tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết biên bản ghi nhớ chuyển giao đàn cá tra bố mẹ chất lượng cao./.

Nhựt An (TTXVN/Vietnam+)

Nhựt An (TTXVN/Vietnam+)