Người Việt kể về cuộc sống khó khăn ở trời Tây do chiến sự Ukraine
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 12:00, 17/12/2022
Chi phí sinh hoạt tăng
Chia sẻ với Dân trí, chị Trần Phượng, 34 tuổi, định cư tại thành phố Annecy, tỉnh Haute-Savoie, Cộng hòa Pháp, cho biết 3 năm trở lại đây, đặc biệt là năm nay, công việc kinh doanh cũng như sinh hoạt của gia đình chị bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid-19 và gần đây là chiến sự tại Ukraine.
Chị Phượng cho biết, vài tháng trở lại đây, lạm phát ở Pháp tăng mạnh, lên đến 2 con số. Giá cả các loại mặt hàng đều tăng rõ rệt, khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tăng khoảng 30% gần nửa năm qua. Ví dụ, trước kia, chi phí ăn uống của một người khoảng 150 euro thì giờ tăng lên khoảng 180-200 euro.
Một số loại mặt hàng nhập khẩu truyền thống từ Ukraine, điển hình là bột mỳ và dầu hướng dương, trở nên khan hiếm. Có thời điểm, người dân phải xếp hàng dài trong siêu thị để mua những mặt hàng này, dù giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 kg bột mì hoặc 1 lít dầu ăn, với giá tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Theo đó, tất cả các mặt hàng thực phẩm quen thuộc như bánh ngọt, bánh mì, đồ chế biến sẵn đều tăng giá chóng mặt.
Giá cả tăng cao dẫn đến bất ổn xã hội, mà biểu hiện rõ nhất là các cuộc biểu tình, đình công đòi tăng lương của tất cả hiệp hội các ngành nghề đều diễn ra. Các cuộc biểu tình của SNCF, hãng vận tải quốc gia Pháp, kéo dài khoảng 4 tháng nay, dẫn đến tình trạng tàu bè hủy chuyến, giao thông ách tắc, đi lại rất khó khăn giữa các vùng miền.
Trong khi đó, công nhân vệ sinh đình công liên tục, rác thải không được dọn dẹp, chất đống bốc mùi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan và đời sống.
Giáo viên và bảo mẫu trong các trường học cũng biểu tình, đình công. Trong khoảng một tháng nay, các cháu mẫu giáo không có căng-tin ăn trưa và không được trông giữ sau giờ học (16h30), do giáo viên tham gia biểu tình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và công việc của các gia đình có bố mẹ đi làm giờ hành chính, bởi phải liên tục đưa đón con. Rất nhiều phụ huynh buộc phải tập trung tại tòa thị chính để lên tiếng phản đối và bày tỏ sự bất lực trong việc sắp xếp giữa công việc và đưa đón con.
Chị Phượng chia sẻ thêm: "Công ty của chồng tôi là công ty thiết kế và thi công nhà bằng thép, bao gồm cả xưởng sản xuất. Hiện nay, công ty đang đối diện với rất nhiều khó khăn, giá thép tăng, giá điện tăng, dẫn đến không ký được hợp đồng, thiếu việc làm, nhân viên có nguy cơ bị sa thải, cắt giảm giờ làm, giảm lương. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập gia đình".
Kinh doanh khó khăn
Gia đình chị Phượng sở hữu chuỗi cung cấp căn hộ cho khách du lịch. Công việc kinh doanh vốn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, giờ càng thêm khó khăn do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Giống nhiều quốc gia khác ở châu Âu, Pháp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng do tác động của xung đột Nga - Ukraine. Tập đoàn điện lực quốc gia Pháp (EDF) gần đây đã phát thông báo về việc sẽ cắt điện luân phiên trong thời gian cao điểm.
Từ tháng 1/2023, Pháp sẽ cắt điện, sưởi, nước nóng luân phiên toàn quốc ít nhất 3 giờ mỗi ngày. Hoạt động của đèn giao thông cũng bị ảnh hưởng. Hiện có rất nhiều luồng ý kiến về kế hoạch này, nhưng chính phủ Pháp buộc phải làm, và sẽ ban hành luật giao thông mới bổ sung cho giai đoạn khủng hoảng năng lượng
Với chị Phượng, điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của gia đình. Khách hàng thuê phòng du lịch đôi khi phải chịu mất điện, nước - điều này là không có tiền lệ. Trong khi đó, hóa đơn tiền điện tăng 30% khoảng vài tháng trở lại đây.
Ngoài ra, các hệ thống sưởi gas của tòa nhà sẽ giảm nhiệt độ xuống 2 độ so với trước kia, ví dụ trước là 17 độ, nay chỉ còn 15 độ để tiết kiệm năng lượng. Do vậy, chị Phượng buộc phải sắm thêm sưởi điện cho khách du lịch thuê phòng.
Tất cả điều này khiến chi phí kinh doanh tăng cao, dẫn đến doanh thu sụt giảm đáng kể. Đó là chưa kể đến việc lạm phát tăng nhanh, kinh tế khó khăn kéo theo nhu cầu du lịch trở thành thứ yếu, lượng khách giảm mạnh, tỷ lệ phủ phòng thấp.
Những khó khăn kể trên không chỉ riêng gia đình chị Phượng gặp phải, đó là nỗi niềm của rất nhiều kiều bào hiện sinh sống ở một số nước châu Âu.
Chị M.Lan, 35 tuổi, người Việt định cư tại thành phố Dresden, bang Sachsen, Đức cho hay, năm nay là năm khó khăn nhất của gia đình chị kể từ khi chuyển đến Đức. Điều này là bởi nền kinh tế Đức vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lại tiếp tục đối mặt với những hệ quả do xung đột ở Ukraine.
Chị Lan cho biết, hóa đơn tiền điện của gia đình chị tăng theo tháng. Khoảng 3 tháng trở lại đây, tháng nào chị cũng nhận được thông báo giá điện tăng. Để tiết kiệm chi phí, chị phải bật sưởi mức 1 ít tiêu hao nhất, chỉ lúc tắm mới dám bật nấc 2 và gần như không bật nấc 3.
Trong khi đó, công việc kinh doanh không thuận lợi như trước. Chị Lan có một cửa hàng bán hoa quả, lượng bán giảm đáng kể do giá cả tăng. Hiện giờ, người mua chấp nhận và có xu hướng chọn hàng loại 2, loại 3, chấp nhận cả dập, mã xấu vì giá rẻ hơn. Hàng loại 1 đắt rất khó bán. Do vậy, chị buộc phải chuyển hướng kinh doanh, nhập những container hàng loại 2, loại 3 về lựa bán cho khách.
Trước những khó khăn hiện nay, cộng đồng người Việt ở châu Âu hy vọng xung đột Nga - Ukraine sớm chấm dứt, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn để đời sống kinh tế, xã hội sớm trở lại bình thường.