Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 11:06, 05/10/2022

Ông Hoành bảo các anh cứ gọi là giải, hay rùa Hoàn Kiếm, nhưng quê tôi gọi là trành trạnh. “Xưa tôi bắt ở đầm Long mãi”, người thợ săn kỳ cựu nay đã 90 tuổi nói.

Ông Lê Huy Hoành kể rằng ngày trước ông bắt trành trạnh ở đầm Long ngay gần nhà ông ở thôn Bằng Tạ (xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Rồi sau đó, ông chuyển qua bắt giải lớn ở hồ Suối Hai. “Ngày trước ông Trinh, ông Tập (lãnh đạo Xí nghiệp Thủy sản Suối Hai thời ấy - PV) thuê tôi bắt giải. Thuê vậy mà ông Trinh vẫn chưa tin, bảo “chắc ông không bắt được nó đâu”, ông Hoành kể.

Lý do lãnh đạo Xí nghiệp Thủy sản thuê ông Hoành bắt giải là vì chúng hay phá lưới đánh cá của xí nghiệp, bắt cá ăn.

Xem thêm: Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm

Ký ức người thợ săn

Trong cuộc đời “chinh chiến” gần 1 thế kỷ, ông Hoành đến nay không nhớ đã bắt được bao nhiêu trành trạnh, chỉ biết rằng ban đầu ông bắt ở đầm Long quê ông, rồi cách đó vài xã là hồ Suối Hai.

Sau này, nghe nói bên Thanh Thủy (Phú Thọ) cũng có, ông cùng mấy anh em lại xách đồ nghề sang. Lời kể của ông Hoành trùng khớp với những gì ông Thức và bà Hạnh ở Đào Xá (Thanh Thủy) kể về đám thợ săn Hà Tây mà tôi đã đề cập trong bài đầu tiên của loạt phóng sự này. Ông Hoành cũng xác nhận phương pháp câu vương (câu giăng), dùng nhiều lưỡi câu bằng thép lớn, cực bén, không có mồi, treo là là sát mặt bùn để bắt “thuồng luồng”.

Nhưng ông kể về lần bắt giải ở hồ Suối Hai đơn giản là vì đó là con lớn nhất mà ông từng bắt. Nó nặng tới 240kg. “Hai bác cháu tôi phải lấy xe bò kéo về”, ông Hoành nói.

Xem thêm: Theo dấu 'thuồng luồng': Ở hồ Đồng Mô, có bao nhiêu cá thể rùa Hoàn Kiếm?

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ - 1

Ông Hoành nói nhiều người biết đến phương pháp câu vương và dùng để bắt giải, nhưng không phải ai cũng thành công. “Phải biết nghề mới được”. “Biết nghề” ở đây là phải thuộc tập tính của giải, biết nơi chúng thường hay lui tới để mà giăng câu. Hơn nữa, lưỡi câu, nhợ câu phải đủ tiêu chuẩn. Ông nói có nhiều nhóm đã lên Suối Hai giăng thử nhưng đều thất bại vì lưỡi kém, nhợ không phù hợp, giải chạy thoát mất.

“Biết nghề” còn là lúc trành trạnh dính câu. Dính rồi thì phải xử lý như thế nào. Con vật được mệnh danh là thuồng luồng kia cực khỏe, mồm chỉ táp một phát là đi bàn tay người. “Nhiều người không dám lặn xuống, vì dưới ấy toàn lưỡi câu thép to như cái nan hoa xe máy, sắc lẹm. Đã thế lại còn con trành trạnh nặng hàng tạ đang sôi máu. Mà dưới đáy nước đâu chỉ có thế. Còn đá, còn cây, còn đủ thứ khác. Người ta không dám, nhưng tôi vẫn phải lặn xuống xử lý mỗi khi lưỡi câu vướng vào đâu đó”, ông Hoành nói.

Ông Hoành dẫn tôi xuống bếp xem bộ dây câu vương ông vẫn lưu giữ mấy chục năm qua. Những chiếc lưỡi câu đen xì, ông bảo làm bằng thép lò xo ô tô. Nhờ làm bằng dây dù, mỗi sợi dây câu to cỡ dây điện gia dụng, rất chắc khỏe và sau nhiều năm chưa có dấu hiệu lão hóa.

Tôi cầm một chiếc lưỡi câu bằng thép đưa lên vê thử vào đầu ngón tay. Chiếc lưỡi không có một chút han rỉ, đen xì, sắc lẹm. Ở ngoài sân, bên bức tường rào ngăn với vườn rau là cây giáo thép cán gỗ dài hơn 3m. Ông Hoành nói đó chính là cây giáo ông dùng để đâm giải năm xưa.

Xem thêm: Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ - 2

Bộ đồ câu của ông Hoành

Ông Hoành còn bảo bộ nhợ lưỡi câu vương của mình lắm khi còn được dùng vào việc tìm người chết đuối. “Xác theo dòng sẽ trôi vào vùng vịnh, hay vực xoáy. Tôi dùng bộ nhợ lưỡi câu vương mà rải ra rà rồi kéo xác lên”.

Tôi quan sát kỹ bộ dây lưỡi câu vương. Dây câu dài cỡ trăm mét, cứ 30cm lại bố trí một nhánh có lưỡi câu, cứ 10 lưỡi lại có một phao làm bằng xốp. Hệ thống phao này giúp đám lưỡi lơ lửng sát mặt bùn, không chìm hẳn xuống đáy, giúp tăng xác suất rùa dính câu. Để nghĩ ra cách bố trí như thế, người thợ săn đã phải nghiên cứu rất kỹ tập tính của loài giải. Khi di chuyển, chúng thường bò sát mặt bùn và lưỡi câu lơ lửng cách đáy chừng 10cm khiến khả năng rùa khổng lồ vướng lưỡi câu là rất cao.

Ông Lê Huy Hoành sinh năm 1932. Ông nói thời chống Mỹ đã làm đơn xin đi bộ đội nhưng vì lý do nào đó không trúng tuyển nên ở nhà tham gia hợp tác xã, làm dân quân. Đó cũng là những năm ông săn nhiều rùa khổng lồ nhất. “Trước đây ở đầm Long (nơi có khu du lịch Đầm Long ngày nay - PV) trành trạnh nhiều lắm, có cả ngàn con. Nhưng năm 1971 vỡ đê, nó đi hết”, ông Hoành nói. Ông bảo ngay từ thời ông bố ông, người ta đã bắt trành trạnh ở đầm Long. “Lúc đó tôi còn ít tuổi, lên đồi ngồi chơi, thấy trành trạnh đua nhau ngoi lên bềnh (mảng cỏ, bèo, rau nổi trên mặt nước - PV) thở”.

Xem thêm: Theo dấu ‘thuồng luồng’: Những chuyện chưa kể về loài rùa 'mỗi nơi gọi mỗi kiểu'

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ - 3

Một góc đầm Long

Bắt giải lớn

“Chiều hôm ấy, theo hợp đồng với ông Trinh, ông Tập, tôi ra hồ Suối Hai giăng câu”, ông Hoành kể về lần bắt được con trành trạnh lớn nhất trong đời ông.

“Lúc đó tầm 4 giờ chiều, tôi cùng thằng cháu con ông em trai lên đường ra Suối Hai”, ông Hoành nhớ lại. Hai bác cháu dựng lều ngay ven hồ. Trước đó nhiều ngày, ông Hoành đã nghiên cứu, theo dõi đường đi lối lại, tập tính của bọn trành trạnh ở hồ Suối Hai và biết chúng thường lui tới những đâu. Đây không phải là việc đơn giản ai cũng làm được vì hồ Suối Hai rộng khoảng 1.000 ha, rộng hơn đầm Long rất nhiều. “Cái khác biệt của thợ săn bình thường và thợ săn giỏi chủ yếu là ở chỗ đó. Tức là nắm được quy luật hoạt động của con mồi”, ông Hoành nói.

Hôm đó, ở một góc hồ, ông cùng thằng cháu giăng hai đường câu song song, đầu mỗi đường câu được gắn vào một cây móc sắt găm chặt vào đất. Địa điểm này được ông Hoành chọn sau nhiều lần nghiên cứu, theo dõi hành tung lũ rùa. Ông buộc thêm hai ống bơ sữa bò vào đầu mỗi đường câu để khi có động sẽ báo hiệu cho mình.

Đến tối vẫn chưa thấy gì, hai bác cháu nấu cơm ăn rồi lăn ra ngủ ngay bên hồ. “Nửa đêm, tôi thức giấc, lấy đèn pin ra soi thì thấy một đầu đường câu đã bung ra, cây móc sắt cùng dây câu biến đâu mất”, ông Hoành thuật lại.

Ông gọi thằng cháu dậy. Hai bác cháu soi đèn pin đi tìm thì thấy cây móc sắt vướng vào một gốc cây. Hai bác cháu lên thuyền, lần theo dây câu và phát hiện một con trành trạnh cực lớn đã dính câu. “Thằng cháu tôi mới 14 tuổi, còn nhát lắm. Tôi bảo nó cầm sào giữ thuyền, còn mình dùng cây giáo đâm mạnh vào phần gần đuôi trành trạnh”, ông lão 90 kể tiếp.

Con vật giãy giụa hồi lâu, dính nhiều lưỡi câu, cũng đã thấm mệt, lại thêm vết đâm ở lưng nên không còn chống trả hăng như lúc đầu được nữa. Nhưng nó rất to, hai bác cháu không thể kéo lên thuyền được. Ông Hoành lấy thêm vài cây gậy bằng gỗ liễu sấn xuống ba góc sát cạnh cổ và đuôi để cố định con vật, không cho giãy giụa thêm. Rồi ông dùng móc đáp (móc bằng sắt, đầu nhọn uốn cong - PV) móc vào miệng con giải lớn.

Nhưng cũng phải đợi đến rạng sáng hôm sau, có thuyền chài đi tới, ông Hoành mới nhờ họ cùng phụ giúp, kéo được con giải lớn lên bờ. “Nó to quá, phải huy động xe bò mới mang được về nhà, cân lên thấy nặng hai tạ tư. Ông Trinh lấy một đùi, còn lại thịt tôi xẻ ra vừa bán vừa chia cho anh em. Xương thì đem nấu cao”, ông Hoành kể.

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ - 4

 Nội dung: NGUYỄN XUÂN THỦY         

Thiết kế mỹ thuật: HUY MẠNH