Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 12:30, 03/10/2022

Thuồng luồng vốn là con vật trong truyền thuyết, nhưng đối với người dân một số vùng ven bờ sông Hồng, đó là loài giải khổng lồ.

Ven hồ Xuân Khanh (ở xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có một tấm bảng lớn. Trên bảng đề dòng chữ “Rùa Hoàn Kiếm”. Ở dưới là lời giải thích: Rùa Hoàn Kiếm, còn được gọi theo các địa phương là giải, trạnh, thuồng luồng, tô tốp. Vùng phân bố của loài này là Việt Nam và Trung Quốc.

Một ông thợ săn kỳ cựu ở Ba Vì (Hà Nội) nói với tôi rằng, ngày xưa ở vùng Ba Vì - Suối Hai, loài này nhiều lắm. Dân trong vùng gọi đó là con “trành trạnh”.

Xem thêm: Theo dấu 'thuồng luồng': Ở hồ Đồng Mô, có bao nhiêu cá thể rùa Hoàn Kiếm?

Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm - 1

Tấm bảng ven hồ Xuân Khanh

Chỉ còn 3 cá thể?

Trở lại với tấm bảng ven hồ Xuân Khanh. Ngoài các thông tin kể trên, nó cho chúng ta biết thêm vài thông tin cập nhật quan trọng về loài giải khổng lồ có nhiều tên gọi này. Tấm bảng ghi: Rùa Hoàn Kiếm là loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất trên thế giới. Hiện nay chỉ còn 3 cá thể được ghi nhận còn tồn tại trên thế giới. Trong đó, một cá thể đang sống tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc), một cá thể ở hồ Đồng Mô (ghi nhận năm 2020) và một cá thể ở hồ Xuân Khanh.

Gọi là rùa Hoàn Kiếm là bởi một số cá thể của loài rùa mai mềm cỡ lớn này đã được phát hiện ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ lâu. Từng có những lý luận cho rằng rùa Hoàn Kiếm là loại đặc hữu, chỉ có ở hồ Hoàn Kiếm, hoặc chỉ có ở Việt Nam. Nhưng rồi rất nhiều nhà khoa học đồng ý rằng đây là loài rùa mai mềm khổng lồ, tên khoa học là Rafetus Swinhoei, phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc. Loài này còn có tên gọi khác là giải Sin-hoe, giải Thượng Hải.

Một cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) nói với tôi rằng xét nghiệm gien những gì còn lại của loài giải khổng lồ như xương, mai, sọ mà ngư dân một số vùng ven sông Hồng, từ Yên Bái, Phú Thọ đổ về Ba Vì, Sơn Tây vẫn đang lưu giữ đều cho ra kết quả đó là loài Rafetus Swinhoei.

Xem thêm: Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu

Có lẽ cá thể rùa Hoàn Kiếm nổi tiếng nhất chính là “cụ” rùa ở hồ Hoàn Kiếm, chết năm 2016. Sau cái chết của cá thể rùa này, vấn đề bảo tồn loài rùa quý hiếm Rafetus Swinhoei được nhiều người, cả trong và ngoài nước, quan tâm. May mắn sao khi trước đó gần 10 năm người ta đã phát hiện ra một cá thể rùa mai mềm cỡ lớn ở hồ Đồng Mô, sau một trận lụt kinh hoàng. Và rồi đến năm 2018, các nhà khoa học khẳng định có ít nhất một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. Và rồi giới khoa học kết luận: Cả cá thể ở Đồng Mô lẫn cá thể ở hồ Xuân Khanh đều thuộc loài rùa Hoàn Kiếm.

Các sự kiện này mở ra một cơ hội mới cho công tác bảo tồn và phát triển loài rùa quý đang trên bờ vực đặc biệt nguy cấp này.

Đi tìm dấu vết thuồng luồng

Sự kiện tìm thấy giải mai mềm khổng lồ ở hồ Xuân Khanh có lẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người, và với chính tôi. Bởi đây là hồ nước không lớn lắm. Theo một tài liệu của chính quyền thị xã Sơn Tây, hồ chứa nước Xuân Khanh nằm trên vùng bán sơn địa thuộc xã Xuân Sơn.

Cổng thông tin điện tử thị xã Sơn Tây viết: “Công trình được đưa vào sử dụng năm 1964 với diện tích mặt nước theo thiết kế là 165 ha, dung tích 6 triệu m3, diện tích tưới 400 ha. Hiện nay lòng hồ đã bị bồi đắp, dung tích chứa của hồ bị giảm do đó năng lực tưới còn 250 ha”.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, không thể tách rời hồ nước này với khu vực Đồng Mô, Suối Hai, được cho là vùng sinh sống của loài giải khổng lồ. Tại khu vực này có rất nhiều hồ nước lớn và vùng đất ngập nước ven hồ, là sinh cảnh quen thuộc của loài Rafetus Swinhoei. Có thể liệt kê ra đây một loạt hồ lớn trong khu vực như Đồng Mô rộng trên dưới 1.400 ha, hồ Suối Hai rộng chừng 1.000 ha, rồi đầm Dương, đầm Long, gần đó là hồ Xuân Thịnh, hồ Xuân Khanh… Khu vực này được bao bọc bởi hai con sông lớn là sông Đà và sông Hồng.

Xem thêm: Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ

Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm - 2

Hồ Xuân Khanh

Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm - 3

Rùa nổi trên hồ Xuân Khanh, ngày 7/8/2012

Anh Bùi Văn Diện ở thôn Xuân Khanh (xã Xuân Sơn) từng sống bằng nghề đánh bắt cá ở hồ Xuân Khanh. Sau khi các nhà khoa học phát hiện cá thể rùa Rafetus Swinhoei ở hồ này, anh Diện trở thành cán bộ địa phương của Chương trình bảo tồn rùa châu Á. Mỗi ngày 8 giờ, anh có mặt trên hồ, theo dõi nhất cử nhất động của cá thể rùa và báo về trung tâm. Những ngày khác, anh tham gia nhóm đi tìm giải khổng lồ ở nhiều nơi. “Hồ Suối Hai, hồ thủy điện Hòa Bình, rồi các hồ ở Quảng Ninh, Phú Thọ… chúng tôi đều đã tới và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm”, anh Diện nói.

Sự kiện tìm thấy loài giải lớn Rafetus Swinhoei hay rùa Hoàn Kiếm, hay giải Thượng Hải, ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh, đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu còn nơi nào khác ở miền Bắc nước ta còn ẩn chứa loài vật bí ẩn này không.

Xem thêm: Theo dấu ‘thuồng luồng’: Những chuyện chưa kể về loài rùa 'mỗi nơi gọi mỗi kiểu'

Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm - 4

Xâu chuỗi các dữ kiện, có thể thấy bóng dáng của loài “thuồng luồng” này ở nhiều nơi, dọc theo hai bờ sông Hồng.

Theo lưu vực dòng sông mẹ, có biết bao nhiêu hồ lớn, đập thủy điện vốn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chưa được khám phá. Biết đâu ngoài kia vẫn còn những cá thể rùa quý hiếm mà chúng ta chưa biết đến sự tồn tại của chúng?

Ông Hoàng Văn Thức, 71 tuổi, ở Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) kể rằng vào thập niên 70 của thế kỷ trước, ông làm đội trưởng sản xuất ở xã.  Ông Thức bảo lúc đó vùng Đào Xá, xã Thọ Văn, Dị Nậu và một phần thị trấn Hưng Hóa của huyện Tam Nông (Phú Thọ) mỗi năm có 4 tháng ngập nước. Lúc đó chưa có thủy điện Hòa Bình và các thủy điện phía trên của dòng sông Đà nên đến mùa lụt nước to lắm. “Nước ngập có khi đến ngọn tre”, ông Thức kể.

Kể cả khi nước lụt rút đi thì trong vùng vẫn còn nhiều đầm lầy quanh năm ràn rạt nước. Hồi ấy, người dân vùng chiêm trũng này chủ yếu trông vào nghề chài lưới, nhà nhà người người làm ngư dân. “Thời đó, chuyện thấy giải nổi lên là bình thường”, ông Thức bảo.

Bọn giải nặng hàng tạ, bốn chân có màng có móng cực khỏe, chúng thoải mái đùa giỡn, tắm nắng, vào xé lưới của ngư dân để bắt cá ăn. “Nhưng rồi có nhóm thợ săn từ Ba Vì qua, họ bắt dần để xẻ thịt bán”, ông Thức nói.

Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm - 5

Bà Phan Thị Hạnh, sinh năm 1951, vợ ông Thức, kể rằng ngay từ hồi bà 16 tuổi đã thấy thợ săn từ Ba Vì lên đây săn giải. “Họ xẻ thịt mang ngay ra đầu làng mình bán, thịt giải vàng như nghệ”, bà Hạnh nói.

Ông Thức bảo có lần mua được mấy cân thịt giải, nhắn thành viên ban quản trị hợp tác xã đến họp gấp. “Mọi lần họp hò rát cổ bỏng họng mà cứ được người này lại vắng người kia. Hôm có thịt giải, cả ban quản trị đến họp không thiếu một ai”.

Sau này, có thể do bị săn bắt quá nhiều, lại thêm việc không còn nhiều nơi trú ngụ nên ở vùng giáp Tam Nông - Thanh Thủy, giải biến mất dần. “Một phần là bị bắt, một phần có lẽ là do sau này có thủy điện, nước lụt không còn to như ngày xưa nên giải không còn đất sống. Mấy chục năm nay cả vùng không ai còn trông thấy giải nữa”, ông Thức nói.