Nhật Bản, Hà Lan gia nhập “liên minh” cấm vận bán dẫn Trung Quốc
Cuộc sống số - Ngày đăng : 16:40, 15/12/2022
Kể từ tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra một loạt các biện pháp ngăn chặn xuất khẩu sang Trung Quốc công nghệ sản xuất vi xử lý và một số loại chip nhất định chế tạo bằng công cụ của Mỹ ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Các quy định này bao trùm những công nghệ bán dẫn tiên tiến, trang thiết bị chế tạo cũng như nguồn lực nhân sự.
Bên cạnh một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ, công ty Tokyo Electron của Nhật Bản và chuyên gia in thạch bản ASML Holding của Hà Lan là 2 nhân tố chính để các lệnh trừng phạt có hiệu quả. Nguồn tin của Bloomberg cho hay, các lệnh cấm vận mới có thể sẽ tiếp tục được đưa ra trong các tuần tiếp theo. Ba công ty dẫn đầu thị trường trang thiết bị sản xuất vi xử lý hiện nay gồm: Applied Materials (Mỹ) với thị phần lớn nhất, ASML (Hà Lan) xếp thứ 2 và Tokyo Electron (Nhật Bản).
Động thái của Nhật Bản và Hà Lan đưa ra sau khi Mỹ liên tục gây sức ép với 2 nước phải có thêm nỗ lực ngăn chặn dòng chảy công nghệ vi xử lý hiện đại chảy sang Trung Quốc, nơi các công nghệ này có thể được sử dụng trong phát triển các loại vũ khí tối tân.
Các công ty Mỹ mạnh trong phần mềm sử dụng cho vi xử lý cũng như phần mềm thiết kế trong chế tạo bán dẫn tiên tiến. Nhiều công ty Hàn Quốc và Đài Loan đang sản xuất các sản phẩm hàm lượng công nghệ Mỹ cao thuộc danh mục điều chỉnh của các lệnh cấm vận. Trong khi đó, Nhật Bản và Hà Lan thu hút sự chú ý khi có lợi thế trong lĩnh vực cung cấp các trang thiết bị sử dụng trong đúc chip. Các công ty của 2 quốc gia này được cho là có khả năng chế tạo sản phẩm mà không phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Hiện Bộ Kinh tế, Giao thương và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Hà Lan từ chối trả lời Reuters về vấn đề nêu trên.
Thế Vinh(Tổng hợp)