Hồ sơ mật: Chiến dịch cứu hộ bằng trực thăng đầu tiên – Phần 1
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 12:19, 13/12/2022
Không giống mọi người vẫn lầm tưởng, chiến dịch cứu hộ đầu tiên bằng trực thăng trong lịch sử hàng không không phải là cuộc giải cứu ngày 26-1-1945 khi chuyên gia nghiên cứu và dự báo thời tiết Howard Ross bị thương và mắc kẹt tại một sườn núi cao 4.700 foot (1.432m) ở Đồi Naga của Myanmar. Cũng được thực hiện ở Myanmar và là một trong những chuyến bay giải cứu bằng trực thăng sớm nhất, nhưng chuyến bay này diễn ra sau chiến dịch cứu hộ bằng trực thăng đầu tiên gần 1 năm.
Trên thực tế, chiến dịch cứu hộ đầu tiên được thực hiện trong điều kiện chiến tranh và người trực tiếp và duy nhất thực hiện các chuyến bay là Thiếu úy Carter Harman của Nhóm biệt kích Không quân số 1 của Mỹ trong thời gian từ ngày 21 đến 25-4-1944. Khi nhận nhiệm vụ cứu hộ bằng trực thăng này Harman còn đang ở Lalaghat, Ấn Độ và viên phi công đã phải bay một mình với chiếc máy bay YR-4B, số hiệu 43-28247 vượt quãng đường 600 dặm (965km) tới Taro, miền Bắc Myanmar.
Những chiếc trực thăng đầu tiên
Một chiếc YR-4B đang thử nghiệm trong đường hầm gió ở Langley Field, bang Virginia, năm 1944. Ảnh: NASA |
Năm 1943, Thiếu úy, phi công Carter Harman cùng một số đồng nghiệp nhận nhiệm vụ đặc biệt tại nhà máy Sikorsky ở Stratford, bang Connecticut. Những chiếc máy bay mới sản xuất tại đây được gắn cái nickname là “máy đánh trứng”. Harman đã bắt đầu học cách lái mẫu trực thăng YR-4B (Vought-Sikorsky YR-4B, gọi tắt là R-4), một trong những chiếc “máy đánh trứng” như vậy ở đây. Không dừng lại ở đó, Harman đã cùng với mẫu máy bay này tới tham chiến tại Myanmar.
Ở thời điểm năm 1943, rất ít người biết đến máy bay trực thăng và người ta có thể sử dụng chúng vào những nhiệm vụ gì. YR-4B là máy bay trực thăng quân sự, phát triển từ máy bay trực thăng thử nghiệm nổi tiếng VS-300, do Igor Sikorsky phát minh, chế tạo và trình diễn công khai năm 1940. Từ chuyến bay thử nghiệm năm 1940, tháng 12 năm đó, Sikorsky đã được trao hợp đồng phát triển máy bay trực thăng cho quân đội. Từ đây, mẫu máy bay R-4 (YR-4B), trực thăng đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt, và các biến thể R-5, R-6 ra đời và trở thành những mẫu máy bay trực thăng duy nhất được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Khi chiến tranh kết thúc, đã có 400 máy bay trực thăng quân sự như vậy được ra đời.
Sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của YR-4B vào ngày 13-1-1942, Quân đội Mỹ đã đặt hàng 30 chiếc để thực hiện các hoạt động quân sự bổ sung và huấn luyện bay. Trong số 30 chiếc đầu tiên đó, một chiếc được đưa đến Myanmar, một chiếc được chuyển tới Alaska, và những chiếc còn lại được bàn giao cho Hải quân và Lực lượng tuần duyên Mỹ và Hải quân hoàng gia Anh. Nhìn rõ triển vọng phát triển và ứng dụng của trực thăng vào nhiều nhiệm vụ tác chiến lúc đó trong lực lượng vũ trang như liên lạc, trinh sát, Lực lượng không quân Lục quân Mỹ đã đặt hàng thêm 100 chiếc.
Sau đó không lâu, Nhóm biệt kích Không quân số 1 cũng yêu cầu được trang bị trực thăng và nhận được 3 chiếc YR-4B. Carter Harman là một trong 2 người vận chuyển 3 chiếc trực thăng đó bằng máy bay vận tải C-46 tới chiến trường Trung Quốc-Myanmar-Ấn Độ. Trực thăng YR-4B có trang bị một chiếc cáng bạt có thể vận chuyển một bệnh nhân. Trong quá trình vận hành mẫu trực thăng YR-4B ở Ấn Độ, ngày 21-3-1944, một chiếc YR-4B đã bị rơi, nhóm phi công đã tử nạn và đến tháng 4-1944, Harman là phi công trực thăng duy nhất đủ điều kiện bay ở chiến trường Trung Quốc-Myanmar-Ấn Độ.
Lẩn trốn trong rừng
Carter Harman trên một chiếc YR-4B. Ảnh: This Day in Aviation |
Cơ hội thử nghiệm “cỗ máy mới” đã đến. Ngày 21-4-1944, Trung sĩ, phi công Ed Hladovcak cùng 3 người lính Anh khác đã gặp trục trặc khi đang lái chiếc máy bay trinh sát hạng nhẹ L-1 Vigilant. Điều đáng lo ngại là nơi 4 người hạ cánh khẩn cấp nằm sâu trong khu vực do lính Nhật kiểm soát. Một chiếc máy bay liên lạc L-5 Sentinel đã phát hiện được vị trí của họ nhưng không tìm được cách nào có thể hạ cánh xuống những cánh đồng lúa chằng chịt bên dưới.
Ngay trong ngày 21-4, Nhóm biệt kích Không quân số 1 đã chỉ thị cho Harman đưa một chiếc trực thăng đến Taro, miền Bắc Myanmar. Đó là một nhiệm vụ quan trọng. Taro cách Lalaghat (Ấn Độ) 600 dặm (965km), vượt xa tầm bay thông thường của một chiếc YR-4B tới 100 dặm (160km). Điện báo có nội dung chỉ 5 chữ: “Đưa ‘máy đánh trứng’ đến”. Như vậy, chiếc YR-4B sẽ phải mang thêm nhiên liệu để đảm bảo có thể bay đến điểm tập kết.
Điện tín Nhóm biệt kích Không quân số 1 gửi đến Harman chỉ gồm mấy chữ ngắn gọn, nhưng trên thực địa thì những người gặp nạn đang quay cuồng với ý nghĩ tồi tệ nhất là sẽ bị quân Nhật phát hiện và bắt giữ. Hladovcak kể lại: “Ngày 24-4, chúng tôi nghe thấy nhiều âm thanh kỳ lạ phía trên đầu. Không hiểu đó có phải là tiếng súng hay không? Liệu có khó không để người Nhật phát hiện ra một Trung sĩ-phi công Mỹ đã kiệt sức và đói lả cùng 3 binh sĩ Anh bị thương? Nhưng những âm thanh kỳ lạ đó đến rồi lại đi. Người Nhật đã không xuất hiện”. Ngày hôm sau, tình trạng của 3 người lính Anh trở nên tệ hơn. Vết thương của họ đã bị nhiễm trùng trong khi cái nóng thì không hề dịu đi. Côn trùng xuất hiện ở khắp nơi, đặc biệt là muỗi, mang nguy cơ truyền nhiễm bệnh sốt rét.
Ed Hladovcak và 3 người lính Anh đã tìm mọi cách bò, trườn, leo trèo cho đến khi họ vào sâu được bên trong tán lá rậm rạp của khu rừng cách chiếc máy bay bị nạn gần 1km. Trong nhiều giờ sau đó, họ không tìm được lực lượng bạn nào trong khu vực và đành ẩn nấp và quan sát nhóm lính Nhật tới lùng sục quanh đống đổ nát của chiếc L-1 Vigilant trước khi tản ra truy lùng phi công. Trong khi cái nóng ở Myanmar đang trở nên ngày càng gay gắt thì họ nghe tiếng lính Nhật đi tuần ngày càng gần hơn. Qua những bụi cây, họ có thể thấy những chiếc ống quần bó của lính Nhật.
Một chiếc L-1 Vigilant giống chiếc máy bay bị rơi ở Myanmar khiến Nhóm biệt kích Không quân số 1 phải sử dụng trực thăng YR-4B để tiến hành hoạt động cứu hộ. Ảnh: Defense Media Network |
Quãng giữa chiều, một chiếc máy bay liên lạc L-5 Sentinel của Nhóm biệt kích Không quân số 1 lượn qua trên đầu họ và thả xuống một tin nhắn với nội dung: “Hãy leo lên núi. Quân Nhật đang ở rất gần”. Hladovcak rùng mình. Trong khoang chở hàng chiếc L-1 Vigilant bị nạn là 3 thanh kiếm Nhật viên phi công này đã nhặt được trong quá trình làm nhiệm vụ. Nếu lính Nhật tìm thấy những thanh kiếm đó trước và sau đó phát hiện ra Hladovcak và 3 người lính Anh thì họ sẽ phải trả cái giá rất đắt.
Sau này, khi nói về sự cố của mình, Hladovcak thừa nhận: “Có thể chiếc L-1 Vigilant đã bay quá thấp. Thực ra thì không ai biết rõ được câu chuyện diễn ra thế nào. L-1 Vigilant là một mẫu máy bay uy lực, được sử dụng cho các hoạt động tác chiến sâu phía sau phòng tuyến của quân Nhật. Nó hoạt động rất tốt, nhưng khi chiếc L-1 Vigilant của tôi lao xuống cánh đồng, bờ ruộng đã làm gãy càng, khiến mọi khả năng cất cánh trở lại đều trở thành bất khả thi”.
(Còn nữa)
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ Defense Media Network, This Day in Aviation và cbi-theater.com)