Lái xe ô tô đâm chết người đi bộ qua đường cao tốc có bị xử lý hình sự?
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:58, 13/12/2022
Như đã đưa tin, vào khoảng 15h10 ngày 9/12 tại km24+980, hướng Lào Cai - Nội Bài, đoạn thuộc địa phận xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc), chị T.T.T.H. (44 tuổi, ở Vĩnh Phúc) đi bộ qua cao tốc thì bị xe ô tô mang biển số Phú Thọ do anh Trần Công P. (27 tuổi, ở Phú Thọ) cầm lái tông trúng.
Vụ việc khiến chị H. tử vong tại chỗ.
Sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều độc giả bày tỏ sự đáng thương nhưng cũng đáng trách đối với nạn nhân, khi đã liều mình băng ngang đường cao tốc, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Một số ý kiến khác cho rằng, tài xế ô tô đã đâm trúng chị H. trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, liệu có bị xử lý hình sự khi đã gây ra vụ tai nạn gây chết người hay không?
Tài xế ô tô có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt. Đường cao tốc là tuyến đường dành riêng cho xe cơ giới và nghiêm cấm người đi bộ đi vào đường cao tốc.
"Việc người đi bộ đi vào đường cao tốc là vi phạm pháp luật. Nếu người đi bộ đi vào đường cao tốc đột ngột, ở góc khuất, tầm quan sát hạn chế khiến những người lái xe trên đường cao tốc không phát hiện ra, không kịp xử lý thì những người điều khiển xe cơ giới không có lỗi, kể cả hậu quả vụ tai nạn làm chết người thì tài xế cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự; đồng thời, lái xe ô tô cũng sẽ không phải bồi thường thiệt hại", luật sư Bình khẳng định.
Theo luật sư, người điều khiển xe cơ giới trên đường cao tốc chỉ được coi là có lỗi, đối với vụ tai nạn với người đi bộ khi người đi bộ trên đường cao tốc đã có tín hiệu cảnh báo, người lái xe có đủ thời gian, đủ khoảng cách để giảm tốc độ, tránh người đi bộ nhưng người này đã chủ quan không thực hiện dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thì mới có thể xem xét một phần trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới.
"Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì trong trường hợp người điều khiển xe cơ giới (nguồn nguy hiểm cao độ) hoàn toàn không có lỗi, lỗi thuộc về người bị hại thì sẽ không phải bồi thường", luật sư nói.
Theo luật sư Bình, người điều khiển xe cơ giới chỉ phải bồi thường trong trường hợp có lỗi hoặc cả hai bên đều không có lỗi. Trong trường hợp vụ tai nạn xảy ra mà lỗi hoàn toàn thuộc về người bị hại thì người điều khiển phương tiện xe cơ giới không phải bồi thường thiệt hại.
Người đi bộ vào cao tốc sai như nào?
Luật sư nêu dẫn chứng, tại Khoản 4 Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
"Căn cứ khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Như vậy, chỉ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc mới đi được vào đường cao tốc. Nếu người đi bộ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng", luật sư Bình dẫn chứng.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong mọi tình huống, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ và sẽ thông báo kết quả xác minh điều tra, từ đó mới có căn cứ để xác định nguyên nhân và trách nhiệm.
Tuy nhiên, cho dù bất kỳ trường hợp nào thì người đi bộ cũng không nên tham gia giao thông trên đường cao tốc, hoặc thả súc vật... trừ trường hợp những người đang làm nhiệm vụ. Có như thế mới tránh được thiệt hại cho bản thân mình, đồng thời cũng không kéo theo những hệ lụy pháp lý phiền phức không đáng có, cho những người điều khiển phương tiện giao thông trên cao tốc.