Quay cuồng với cổ phiếu trong các vụ thao túng giá
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:12, 13/12/2022
Chiều 12/12, CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC) công bố thông tin bất thường cho biết, ngày 9/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng, chủ tịch CTCP Chứng khoán Trí Việt - TVSC (TVB), về tội thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) căn cứ theo quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) ngày 20/4.
Hồi tháng 4, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: ông Đỗ Thành Nhân (chủ tịch Louis Holdings), ông Đỗ Đức Nam (TGĐ Chứng khoán Trí Việt),... Các bị can đã dùng chiêu để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác.
Trong năm 2021, khi TTCK sôi sục và tăng trưởng mạnh, hầu hết cổ phiếu lớn nhỏ, tốt xấu đều tăng giá mạnh. Nhiều cổ phiếu tăng vọt một vài chục lần dù doanh nghiệp làm ăn bết bát.
Nhóm cổ phiếu “họ Louis” và “họ FLC” nằm trong số đó.
Dòng Louis nổi bật trên TTCK, với hàng loạt mã tăng trần kéo dài và dồn dập các room “phím hàng”.
Cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital tăng hàng chục lần, từ mức 1.200 đồng hồi đầu năm 2021 lên trên 75.000 đồng/cp vào tháng 7/2021, sau khi đại gia buôn gạo Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holding thâu tóm Đầu tư và xây dựng Trường Giang (TGG) rồi đổi tên thành Louis Capital.
Louis Land (BII) từ mức 1.000 đồng hồi tháng 7/2020, tăng vọt lên trên ngưỡng 34.000 đồng/cp vào 7/2021.
Một mã khác thuộc “họ Louis” là Chứng khoán APG (APG) tăng từ dưới 5.000 đồng/cp hồi tháng 7/2020 lên gần 22.000 đồng/cp hồi tháng 10/2021.
Trong năm 2020, CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) của ông Trịnh Văn Quyết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu trên TTCK Việt Nam, vô địch 3 sàn với mức tăng giá trên 1.100%. Mức giá đầu năm 2020 là 16.250 đồng/cp nhưng tới cuối năm là 196.800 đồng/cp.
Kẹt cứng, lỗ nặng vì cổ phiếu nóng
Tuy nhiên, đến nay, các cổ phiếu này đều giảm sâu, về quanh mức ban đầu.
Tới 12/12/2022, TGG có giá dưới 4.000 đồng/cp, trong khi BII ở mức 2.400 đồng/cp.
Các cổ phiếu Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), Sametel (SMT), VKC Holding (VKC), Dap - Vinachem (DDV) thuộc “họ Louis" đều có biến động tăng rất mạnh vào cuối năm 2021 rồi giảm sâu sau đó.
Một điểm đáng lưu ý, cho dù cổ phiếu tăng phi mã nhưng nhiều doanh nghiệp trong “họ Louis” kinh doanh yếu kém. TGG lỗ hơn 43 tỷ đồng trong năm 2020 và dòng tiền âm, đồng thời bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Doanh nghiệp này lãi trong 2021 nhưng tiếp tục lỗ trong quý II/2022.
Trong quý III/2021, Louis Land (BII) thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư tại Bất động sản Bình Thuận. Trong năm 2019, BII lỗ gần 100 tỷ đồng và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Năm 2020, lỗ tiếp gần 90 tỷ đồng.
Tới thời điểm này, 4 thành viên "họ Louis" bị kiểm soát, gồm TGG, TDH, BII, VKC.
Hồi đầu tháng 9/2022, VKC Holdings (VKC) mất khả năng thanh toán lô trái phiếu 200 tỷ đồng và ghi nhận lỗ tiếp trong quý III/2022 và vốn chủ sở hữu tụt giảm. Nhiều doanh nghiệp kẹt cứng, cổ đông thiệt trăm bề vì dính tới các cổ phiếu “họ Louis” hay “họ FLC”.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng trên TTCK, GAB trải qua gần một năm không có giao dịch cho dù giá cổ phiếu treo ở mức rất cao: gần 200 nghìn đồng/cp.
GAB có vốn hóa hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ hơn 51%. Như vậy, còn khoảng 1.400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu GAB mà các cổ đông khác đang nắm giữ. Rất nhiều trong số đó là các cổ đông nhỏ lẻ đang không thể giao dịch.
Không chỉ GAB rơi vào tình trạng mất thanh khoản, cổ phiếu FLC và HAI cũng bị đỉnh chỉ giao dịch. Trong khi AMD bị hạn chế giao dịch. Cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết.