Sôi động thị trường vũ khí toàn cầu
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:57, 13/12/2022
Theo Al Jazeera, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) mới đây công bố báo cáo cho thấy, 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đã thu về tổng cộng 592 tỷ USD tiền bán vũ khí và các dịch vụ quân sự liên quan trong năm 2021, tăng 1,9% so với năm 2020. Đây là năm thứ 7 liên tiếp doanh số bán vũ khí toàn cầu tăng.
Các công ty của Mỹ tiếp tục thống trị thị trường vũ khí toàn cầu năm 2021, với gần nửa danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới tới từ Mỹ. Theo ước tính của SIPRI, 40 công ty vũ khí hàng đầu của Mỹ có doanh số 299 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng doanh số của 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới. Những cái tên đứng đầu danh sách là Lockheed Martin, Raytheon Technologies, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics.
Tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ. Ảnh: The Defense Post |
Đáng chú ý, doanh số bán vũ khí từ các nhà sản xuất Trung Quốc cũng có bước nhảy vọt đáng kể. Trong năm 2021, Trung Quốc có 8 đại diện góp mặt trong danh sách 100 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới theo doanh số; 4 trong số này đứng ở tốp 10. Những công ty Trung Quốc đã thu về tổng cộng 109 tỷ USD từ bán vũ khí, trang thiết bị quân sự trong năm 2021, tăng 6,3% so với năm trước đó.
Xiao Liang, nhà nghiên cứu của SIPRI, cho biết: “Đã có một làn sóng sáp nhập trong ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc kể từ giữa những năm 2010. Năm 2021, CSSC của Trung Quốc trở thành công ty đóng tàu quân sự lớn nhất thế giới với doanh số bán vũ khí trị giá 11,1 tỷ USD, sau khi sáp nhập hai công ty hiện có”.
Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng chứng kiến mức tăng trưởng doanh số trên trung bình, với 4 công ty trong danh sách của SIPRI. Theo báo cáo, tổng doanh số bán vũ khí của những công ty này là 7,2 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm trước, dẫn đầu là nhà sản xuất động cơ Hanwha Aerospace. Doanh số bán hàng của Hanwha Aerospace năm 2021 tăng 7,6% lên 2,6 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới sau khi hãng ký một thỏa thuận vũ khí lớn với Ba Lan vào đầu năm nay.
Châu Âu cũng có 27 đại diện lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp vũ khí hàng đầu thế giới, với tổng doanh số là 123 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2020. Nổi bật là tập đoàn hàng không Dassault của Pháp với mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ nhờ việc bàn giao 25 máy bay chiến đấu Rafale.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại SIPRI cho rằng, doanh số bán vũ khí toàn cầu đã có thể tăng mạnh hơn nếu không có các vấn đề dai dẳng liên quan đến chuỗi cung ứng trên diện rộng. Cả các công ty vũ khí lớn và nhỏ đều ghi nhận doanh số bán hàng bị ảnh hưởng trong năm 2021 vừa qua. Một số công ty như Airbus hay General Dynamics báo cáo tình trạng thiếu nhân công.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới, gây thiệt hại cho ngành sản xuất vũ khí, trang thiết bị cũng như ảnh hưởng tới dây chuyền lắp ráp. Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2-2022 lại càng làm gia tăng những thách thức về chuỗi cung ứng đối với các công ty vũ khí trên toàn thế giới, đặc biệt là các công ty phương Tây, do Nga là nhà cung cấp quan trọng các nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất vũ khí.
Các chuyên gia dự báo, sự gia tăng của các xung đột địa chính trị toàn cầu và việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng của nhiều nước sẽ khiến nhu cầu vũ khí toàn cầu tăng nhanh trong những năm tới và tác động đến tình hình sản xuất vũ khí. Theo trang Market Watch, thị trường vũ khí, đạn dược dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hơn 3,5% trong giai đoạn 2022-2031, do nhiều quốc gia chủ trương tăng cường khả năng đối phó trước các mối đe dọa trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu thay đổi.
Nói gì thì nói, sự tăng trưởng nhanh của thị trường vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân với tốc độ tăng trung bình 5,4% hằng năm từ nay đến 2030 (theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research), là một xu hướng đáng lo ngại, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu. Chưa kể, một số báo cáo gần đây cũng dự đoán, nhu cầu đầu đạn hạt nhân loại nhỏ có thể triển khai thông qua máy bay, tên lửa đất đối không cũng sẽ gia tăng mạnh.
NGỌC HÂN