Điểm tin kinh doanh 13/12: Giá xăng đồng loạt giảm mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 13/12/2022

Giá xăng hôm 12/12: Đồng loạt giảm mạnh; Vàng SJC tăng ngược chiều, người mua lỗ 1 triệu/lượng

- Giá xăng hôm 12/12: Đồng loạt giảm mạnh

Giá xăng dầu ngày 12/12 được các doanh nghiệp đồng loạt giảm mạnh từ 15h, trên cơ sở điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Theo đó, giá xăng E5 giảm 1.330 đồng/lít, giá bán là 20.340 đồng/lít. Giá xăng ROn95 giảm 1.500 đồng/lít, giá bán là 21.200 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 1.540 đồng/lít, giá bán là 21.670 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định ngừng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, trích lập Quỹ bình ổn với xăng E5 là 300 đồng/lít, RON95 là 400 đồng/lít, dầu diesel 800 đồng/lít, dầu hỏa 500 đồng/lít, dầu madut 500 đồng/kg.

- Giá vàng hôm 12/12: Vàng SJC tăng ngược chiều, người mua lỗ 1 triệu/lượng?

Giá vàng hôm 12/12 mở cửa giao dịch tăng. Lúc 9 giờ 15, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 66,4 triệu đồng/lượng, bán ra 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Một số doanh nghiệp khác như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch vàng SJC ở mức thấp hơn 66,3 triệu đồng/lượng mua vào, 64,1 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng có sự cách biệt đáng kể giữa các doanh nghiệp. Công ty SJC giao dịch vàng trang sức quanh 53,15 triệu đồng/lượng mua vào, 54,15 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 250.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Giá vàng hôm 12/12 tăng đối với vàng SJC trong khi giảm đối với vàng trang sức. Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước có sự biến động ngược chiều giữa các loại vàng, đồng thời, vàng SJC tiếp tục đi lên dù giá vàng thế giới giảm. Diễn biến này khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục giãn rộng.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 51,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC tới 15,8 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng trang sức khoảng 3 triệu đồng/lượng.

- Xuất siêu ngành rau quả giảm mạnh do xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng quá mạnh

Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 4,9%, nhưng nhập khẩu lại tăng chóng mặt, tới 38,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là sự gia tăng giá trị và sản lượng nhập khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc…

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tháng 11/2022 đem về 340 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,09 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ đạt 240 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021; sang thị trường Thái Lan đạt 169 triệu USD, tăng 26%; sang Nhật Bản đạt 155 triệu USD, tăng 6%...

"Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã giảm tới 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm 43,9% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 1,35 tỷ USD trong 11 tháng".

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc suy giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chính sách zero Covid của Trung Quốc đã bít các đường mòn lối mở ở biên giới không cho hàng hóa đi qua. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại từ tháng 9/2022 tới nay, với kim ngạch trong 3 tháng qua liên tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

- Địa phương đầu tiên cán mốc xuất nhập khẩu trên 100 tỷ USD

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, hết tháng 11, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM đạt 101,6 tỷ USD, trở thành địa phương đầu tiên cả nước đạt mức 100 tỷ USD trở lên.

Tổng cục Hải quan đánh giá, kết quả đạt được của nền kinh tế lớn nhất cả nước vượt xa so với các địa phương xếp sau. Đơn cử, như vượt tới hơn 23 tỷ USD so với địa phương đứng thứ hai là Bắc Ninh (đạt 78,5 tỷ USD); hay vượt hơn 47 tỷ USD so với địa phương xếp thứ 3 là Bình Dương (Bình Dương đạt 54,4 tỷ USD)…

Tuy nhiên, điểm khác là TPHCM có con số nhập siêu lớn trong khi hầu hết địa phương trọng điểm về xuất nhập khẩu đều đạt thặng dư thương mại.

Ngoài 3 địa phương trên, các tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn từ vài tỷ đến hàng chục tỷ USD (tính hết tháng 11) như: Thái Nguyên, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Long An…

Tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 673,7 tỷ USD, tăng 11,8%, tương ứng tăng gần 71 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu đạt 342 tỷ USD (tăng 13,4%); nhập khẩu đạt 331,5 tỷ USD, (tăng 10,1%). Đến hết tháng 11, cả nước xuất siêu 10,7 tỷ USD.

- Hải quan chỉ được mở container kiểm tra thủ công khi xác định hàng hoá có vi phạm

Tổng cục Hải quan vừa ra hướng dẫn, đối với các cục hải quan tỉnh, thành phố đã được trang bị máy soi container, theo đó việc kiểm tra được thực hiện bằng máy soi. Sau khi kiểm tra bằng máy soi, nếu xác định hàng hóa có vi phạm thì mới thực hiện mở kiểm tra thủ công.

Đối với hàng nhập khẩu, trường hợp có thông tin nghi vấn vi phạm thì chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa không tạm dừng đưa hàng qua khu vực giám sát; chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thông báo cho chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai biết thông qua đường dây nóng để quyết định việc thay đổi hình thức, mức độ, địa điểm kiểm tra, thiết lập tiêu chí rủi ro (nếu cần) hoặc quyết định kiểm tra sau thông quan theo quy định.

Về trách nhiệm xác định vi phạm, xử lý vụ việc và báo cáo, Tổng cục Hải quan cho biết, khi ra quyết định dừng đưa hàng qua khu vực giám sát, chi cục trưởng chi cục hải quan phải xác định cụ thể các dấu hiệu vi phạm, căn cứ trên kết quả đánh giá thông tin có sẵn được thu thập theo quy định. Trường hợp lô hàng có nhiều container thì phải xác định cụ thể số hiệu container nghi vấn cần kiểm tra. Hải quan chỉ được yêu cầu người khai hải quan xuất trình các container có nghi vấn để kiểm tra.

Việt Báo (Tổng hợp)