Novaland tăng trần, cổ phiếu thủy sản và đầu tư công bứt phá
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 12:36, 12/12/2022
Chốt phiên sáng 12/12, chỉ số VN-Index tăng 8,83 điểm lên 1.060,64 điểm. HNX-Index giảm nhẹ 0,08 điểm xuống 216,91 điểm. Upcom-Index tăng hơn 1% lên 72,34 điểm. Thanh khoản đạt 7.400 tỷ đồng trên 3 sàn, trong đó có 6.582 tỷ đồng trên HOSE.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch 12/12 với bên mua thắng thế và VN-Index tăng gần 9 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ số này quay về gần ngưỡng tham chiếu trước khi bật tăng trở lại vào cuối buổi sáng.
Tới 11h15 ngày 12/12, chỉ số VN-Index tăng gần 12 điểm lên trên ngưỡng 1.063 điểm.
Nhiều nhóm cổ phiếu hút dòng tiền như: thủy sản và đầu tư công trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa và Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đẩy mạnh đầu tư công nhằm hỗ trợ nền kinh tế, giữa lúc các ngân hàng trung ương phải kiểm soát chặt chẽ chính sách tiền tệ để chống lạm phát và giữ tỷ giá ổn định.
Trong tuần qua, Trung Quốc chính thức cho người dân với triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà. Đây là những động thái đầu tiên của Bắc Kinh nhằm nới lỏng chính sách Covid-19.
Nhóm cổ phiếu liên quan tới đầu tư công tăng mạnh như: Coteccons (CTD), Xây dựng Hòa Bình (HBC), Xây dựng Phúc Hưng (PHC), UDC… Nhóm thủy sản cũng tăng mạnh: ANV, IDI, ACL, VHC…
Nhóm hàng không tăng ấn tượng, trong đó Hàng không Việt Nam (HVN) tăng trần.
Một số cổ phiếu bất động sản quay đầu tăng trần sau nhiều ngày bị bán mạnh.
Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn tăng trần thêm 1.150 đồng lên 17.800 đồng/cp với dư mua lên tới hơn 18 triệu đơn vị. Cổ phiếu Bất động sản Hải Phát (HPX) cũng tăng hết biên độ lên 7.470 đồng/cp sau chuỗi ngày giảm sàn.
Giới đầu tư kỳ vọng tình hình các doanh nghiệp bất động sản sẽ tốt hơn và có thể tái cấu trúc vấn đề nợ trái phiếu nhanh chóng hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái nới room tín dụng cho các ngân hàng.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại phiếu doanh nghiệp, trong đó có Novaland, DIC Corp. (DIG), Phát Đạt (PDR) và gần đây là Vietravel (VTR) của chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ hay như Tổng công ty Sông Đà (SJG).
Các doanh nghiệp đẩy mạnh thoái vốn, bán cổ phần, lấy vốn từ hoạt động kinh doanh… để mua lại trái phiếu.
Tổng công ty Sông Đà (SJG) hôm 7/12 hoàn thành việc mua lại trước hạn 350 tỷ đồng trái phiếu và không còn dư nợ trái phiếu sau khi dùng tiền từ thoái vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS).
Thị trường chứng khoán cũng có lực đỡ từ hoạt động mua vào của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như hoạt động mua cổ phiếu quỹ. KDC vừa cho biết sẽ mua lại 10 cổ phiếu (3,57% tổng số lượng cổ phiếu đã phát hành) để giảm vốn điều lệ vì cho rằng giá cổ phiếu chưa phản ánh hết giá trị thực tế cũng như tiềm năng phát triển của công ty.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ khá tích cực ở ngưỡng 1.050 điểm sau khi tuần qua đón nhận nhiều thông tin nổi bật như: Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero-Covid; NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại và cũng đồng thời bơm tiền qua kênh thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Hiện thị trường đang chờ đợi những thông tin vĩ mô trong tuần mới liên quan đến lạm phát của Mỹ cũng như hành động tiếp theo của Fed về chính sách tiền tệ trong phiên họp vào thứ 4-thứ 5 (14-15/12) và phiên đáo hạn phái sinh vào thứ 5 (15/12).
Fed nhiều khả năng sẽ hành động như kỳ vọng của thị trường với mức tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những bình luận trong cuộc họp báo sau đó của chủ tịch Fed về triển vọng lạm phát, thị trường lao động.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng cổ phiếu Việt nhưng giá trị giảm khá mạnh. Khối ngoại tập trung mua vào các cổ phiếu như SHB, VCI, STB, trong khi đang bán HPG, VNM, VRE.
Về mặt kỹ thuật, vùng kháng cự 1.075-1.100 điểm được xem là khá mạnh.