Gặp họa khi gây mê thẩm mỹ chui

Tin Y tế - Ngày đăng : 07:45, 12/12/2022

Kỹ thuật gây tê/mê trong phẫu thuật là một kỹ thuật khó, đòi hỏi các bác sĩ có kinh nghiệm lâm sàng tốt, được đào tạo nhiều năm mới có thể thực hiện tốt. Hiện nay có nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép, sử dụng người thực hiện gây tê/mê không đào tạo dẫn đến nguy cơ biến chứng lớn, thậm chí đã xuất hiện những trường hợp tử vong tại các cơ sở chui.
Gặp họa khi gây mê  thẩm mỹ chui
Một bệnh nhân được xử lý biến chứng sau khi thực hiện thẩm mỹ tại cơ sở chui. Ảnh: NGUYỄN LY

Rước hoạ vào thân 

Vừa qua, bệnh nhân là N.T.P. (25 tuổi, quận 10) đến Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (quận phú Nhuận) đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái.

Trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ tiêm lần lượt các thuốc gây mê, giảm đau và an thần gồm midazolam, fentanyl, lidocain. Ngay sau đó bệnh nhân tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn. Bệnh nhân được xử trí ép tim ngoài lồng ngực và chuyển đến Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận cấp cứu.

Nhận thấy tình trạng chưa ổn định, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM trong tình trạng mê sâu, thở máy qua nội khí quản, truyền adrenaline. Dù được tích cực cấp cứu nhưng bệnh nhân được xác định tử vong do sốc phản vệ nghi do thuốc gây mê, gây tê; tổn thương não do thiếu oxy não và biến chứng hôn mê, suy hô hấp tuần hoàn.

Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm - Trưởng Đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, để bắt đầu tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ gây tê/mê, phải có hàng chục quy trình quan trọng và thực hiện hàng loạt các xét nghiệm nhằm đảm bảo chức năng gan, tim phổi, chức năng đào thải xét nghiệm máu, các chỉ số huyết học, nước tiểu… trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

“Khi tiếp nhận bệnh nhân gây tê/mê, chúng tôi chia làm hai trường hợp: Bệnh nhân đã từng có phản ứng gây mê/tê trước đây thì bác sĩ sẽ hội chẩn để tránh những loại thuốc đã từng gây ra tình trạng xấu. Còn trường hợp đang trong ca phẫu thuật bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng sốc hoặc ngộ độc thuốc gây mê/tê, ngay lập tức sẽ có bác sĩ chuyên môn hỗ trợ kịp thời”, bác sĩ Liêm nói thêm.

Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, thành phố có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện có khoa hoặc đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ và 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da và nhiều cơ sở làm đẹp thuộc nhóm 1.

Nhưng số phòng khám hoạt động “chui” núp bóng dưới các dịch vụ massage, gội đầu để thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ, thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ vẫn diễn ra.

Cơ sở thẩm mỹ nào được phép sử dụng thuốc gây mê/tê? 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh - Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, thuốc tê được sử dụng rất phổ biến trong y khoa, đặc biệt là lĩnh vực thẩm mỹ da, thẩm mỹ nội khoa.

Một số can thiệp như xăm, xóa xăm, tạo lỗ khuyên tai, giảm đau khi laser, sẹo lồi… có thể dùng thuốc tê dạng thoa (bôi). Tại bệnh viện, thuốc tê dạng thoa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nồng độ từ 5% đến 10%. Trên mạng xã hội, nhiều người vẫn rao bán thuốc tê hàng xách tay có nồng độ cao, có thể lên đến 75%.

Thuốc tê ngoài da có thể xảy ra tình trạng ngộ độc (do nồng độ cao, diện tích bôi tê rộng, kỹ thuật sai) hoặc có thể bị sốc (phản ứng của cơ thể) nhưng khá hiếm. “Trong trường hợp bệnh nhân có bệnh nền tim mạch, nguy cơ này sẽ cao hơn”, ông nói.

Theo Sở Y tế TPHCM, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các "dịch vụ làm đẹp" thành 3 nhóm khác nhau. Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Nhóm này hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế và hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì.

Thực tế, Thanh tra Sở đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chăm sóc da thuộc nhóm này nhưng lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ,… với thuốc gây tê, thậm chí đã xảy ra sốc phản vệ.

Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Các cơ sở này không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, Thanh tra Sở cũng từng phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở làm đẹp thuộc nhóm này đã lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhóm 3: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (có thể là bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám có chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ). Với nhóm này, ngoài giấy phép kinh doanh, bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Hầu hết cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại nhóm 3 đều có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, tất cả kỹ thuật can thiệp phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định và phê duyệt.

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC