Xử lý polyp ung thư hoá trực tràng sớm, không hóa trị
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:30, 11/12/2022
Ngày 10/12, Bs. Trần Quốc Đệ, Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hoá BV Xanh pôn cho biết vừa cắt bỏ thành công một trường hợp phát hiện Polyp ung thư hoá đại trực tràng.
Bệnh nhân N.T.T (nữ, 55 tuổi tại Hà Nội) đến viện kiểm tra sức khoẻ cách đây 2 tuần. Bệnh nhân cho biết thỉnh thoảng có đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhưng chỉ thoáng qua mà không quá bất thường.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành nội soi đại tràng phát hiện trong lòng đại tràng có nhiều polyp lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, có polyp chân rộng, phẳng, có dấu hiệu bất thường ở bề mặt.
“Kíp nội soi chúng tôi quyết định tiến hành sinh thiết. Sau 3 ngày bệnh nhân có kết quả phát hiện bệnh nhân ung thư đại tràng tại chỗ (có một vài điểm ung thư trên toàn bộ khối polyp chân rộng, phẳng).
Bệnh nhân được chỉ định cắt hớt niêm mạc, cắt bỏ phía trên bề mặt, vùng có tế bào ung thư.
Rất may, đây là trường hợp phát hiện sớm, được cắt bỏ nên sẽ khỏi hoàn toàn ung thư mà không phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt đoạn đại trực tràng, cũng không cần hoá, xạ trị về sau”, BS Đệ cho hay.
Giải thích về trường hợp này, BS Đệ cho biết hiện y học phát triển với những thiết bị hiện đại giúp bệnh nhân có thể phát hiện sớm những tổn thương bề mặt chưa xâm lấn (di căn). Nếu những tổn thương bề mặt chưa xâm lấn sâu dưới niêm mạc thì có thể cắt hớt. Việc cắt hớt niêm mạc là có thể triệt căn ung thư được luôn.
“Trong trường hợp tổn thương đã lan ra, xâm lấn sâu dưới niêm mạc thì sẽ phải phẫu thuật. Nếu các tổn thương ung thư vượt qua lớp ranh giới thì sẽ có thể xâm lấn và có thể di căn các nơi trên cơ thể”, BS Đệ nhấn mạnh.
Hiện trong nội soi với các thiết bị máy móc hiện đại có độ phân dải cao, nhuộm màu thì bác sĩ cũng có thể đánh giá cấu trúc niêm mạc, ung thư xâm nhập hay chưa.
Ngoài ra, để kết luận chính xác, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết sau phẫu thuật. Khi cắt xong, các bác sĩ giải phẫu sẽ căn cứ từ khối cắt nguyên vẹn để soi trên kính hiển vi diện cắt bên và diện cắt đáy của vùng cắt. Thao tác này nhằm xác định đã cắt “sạch” khối Polyp ung thư hoá chưa.
“Với trường hợp bệnh nhân T., kết quả giải phẫu sau cắt lọc chưa thấy dấu hiệu xâm nhập phía dưới. Điều này khẳng định Polyp ung thư hoá đại tràng ở bệnh nhân T có thể triệt căn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chỉ định bệnh nhân sau 3 tháng nội soi lại để kiểm tra”, BS Đệ cho hay.
Qua trường hợp bệnh nhân T, BS Đệ khẳng định ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ, trên 40 tuổi phải đi nội soi. Các triệu chứng nghi ngờ gồm: rối loạn tiêu hoá kéo dài, đau bụng không tìm ra nguyên nhân mà không phải do thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày.
“Tại Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hoá bệnh viện Xanh pôn từng có những bệnh nhân mới 21- 22 tuổi đã ung thư đại tràng đã ở giai đoạn muộn rồi. Những bệnh nhân này tiền sử gia đình có người bị ung thư, polyp. Với những trường hợp này cần phải đi nội soi sớm hơn, thậm chí 20 tuổi đã phải tầm soát, trong trường hợp phát hiện thì xử trí kịp thời.
Có những trường hợp người bệnh đến soi phát hiện polyp chỉ vài mm, được chỉ định cắt ngay thì có thể yên tâm cả quãng đời 5-10 năm sau’”, BS Đệ nhấn mạnh.
Ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Thế nhưng, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
N. Huyền