Trung Quốc khó tính ngang Mỹ, 1 củ khoai lang dính đất bị trả cả lô hàng
Bất động sản - Ngày đăng : 16:44, 10/12/2022
Trung Quốc muốn mua lượng hàng lớn dịp Tết
Với dân số 1,46 tỷ người, năm 2021, Trung Quốc chi 13,4 tỷ USD để nhập khẩu các loại trái cây. Trong đó, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc lên tới 4,21 tỷ USD.
Các nông sản Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Đồng thời, nhu cầu trái cây tại Trung Quốc tăng mạnh nên trái cây Việt có dư địa phát triển rộng rãi tại thị trường này.
Thực tế, vài tháng trở lại đây, sau khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối,... sang Trung Quốc, giá các mặt hàng này đều tăng vọt. Đơn cử, giá sầu riêng và chuối tăng gấp 3 lần, giá khoai lang thậm chí tăng gấp 10 lần trước đó.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này cũng tăng vọt. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng, chuối tháng 10/2022 tăng lần lượt là 294% và 47,9% so với tháng tháng 10/2021. Tính đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng 91,2%, chuối tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”, sáng 10/12, ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), cho biết, nhu cầu đối với trái cây tại thị trường Trung Quốc rất cao. Từ nay đến Tết, hiệp hội này cần nhập 1.500 container sầu riêng của Việt Nam để phục vụ thị trường.
Bà Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, thông tin, hai bên đang làm việc về việc này.
“Họ nhập 100 nghìn tấn sầu riêng của Thái Lan mỗi năm. Sau đàm phán, phía hiệp hội Trung Quốc quyết định chia sẻ 1/10 đơn hàng đó, tức họ sẽ nhập 10.000 tấn sầu Việt Nam”, bà nói. Vậy nên, các địa phương hay doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được đơn hàng này có thể liên hệ với phía hiệp hội.
Theo ông Đinh Gia Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Công ty CP thực phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Trung Quốc là thị trường quan trọng, có sức mua lớn. Sắp tới, khi Trung Quốc kiểm soát được dịch và mở cửa trở lại, nhu cầu về sản phẩm rau củ và trái cây sẽ tăng rất cao; nếu đón đầu được làn sóng tiêu thụ này thì rất tốt.
Về mặt hàng sầu riêng, ông nhấn mạnh, cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm xuất khẩu rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000-15.000 USD/tấn sản phẩm.
Hết thời thị trường dễ tính
Theo ông Nghĩa, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Thị trường này không thua kém Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm này rất nghiêm túc và rõ ràng.
“Để xuất khẩu sang thị trường này, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao”, ông nói.
Bà Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, thừa nhận, Trung Quốc đưa ra rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về vùng trồng và cơ sở đóng gói sản phẩm. Họ cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Theo đó, lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ hay lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký đều sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
“Như mặt hàng khoai lang nếu phát hiện vỏ ngoài còn dính đất, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy”, bà Hiền chia sẻ.
Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cũng lưu ý, nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng phía Trung Quốc “tuýt còi”, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Các cơ quan của Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp để xây dựng các quy trình thực hành tốt cho từng loại hoa quả, đảm bảo việc xuất khẩu cũng như các yêu cầu phía bạn đưa ra, ông cho hay.