Người dân có nên 'luyện công', tắm sông những ngày Hà Nội lạnh cóng?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 16:41, 10/12/2022
Một tuần nay, mùa đông đến Hà Nội. Bất chấp thời tiết giá buốt, có hôm xuống tới 14-15 độ C nhưng sáng sớm, chiều tối nhiều người dân Thủ đô vẫn không bỏ thói quen bơi lội trên sông Hồng, tại khu vực gần chân cầu Long Biên (Hà Nội).
Nhiều người tỏ ra trầm trồ, thán phục về sức khoẻ và sự chịu rét của những “kình ngư” không chuyên này. Tuy nhiên, việc “luyện công”, bơi sông trong những ngày trời rét như thế này có thực sự tốt cho sức khoẻ, đối diện với nguy cơ gì?.
Trả lời vấn đề này, PGS. TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc BV Thể thao Việt Nam cho biết, cơ thể tập luyện trong các điều kiện môi trường khí hậu khác nhau liên quan đến vấn đề thích nghi.
“Muốn thích nghi như thế yêu cầu đầu tiên là thể lực phải đảm bảo sự tập luyện thường xuyên liên tục thì mới thích nghi được.
Nếu trước khi tập luyện không kiểm tra thể trạng bệnh lý của bản thân, không kiểm tra những nguy cơ mắc các bệnh, đặc biệt bệnh lý tim mạch, huyết áp, hô hấp.
Đặc biệt kiểm tra khả năng đáp ứng hệ thống vận động đối với thay đổi của môi trường, khả năng điều hoà nhiệt của cơ thể với thay đổi của nhiệt độ môi trường thì vệc tập luyện hoặc thi đấu ở môi trường khắc nghiệt như thế có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc về sức khoẻ sẽ xảy ra”, PGS. TS. BS Võ Tường Kha thông tin.
Trong đó phải kể đến tình trạng co mạch, tăng huyết áp và thiếu máu tổ chức. Hoặc gây ra các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, hô hấp, thậm chí các bệnh lý về cơ bắp (do, máu không đến các tổ chức gây thiếu oxy, thiếu máu ở các tổ chức.
Nhẹ thì biểu hiện bằng chuột rút, tê cóng thần kinh vận động. Nếu đang tập ở dưới nước thì sẽ gây ra ngạt nước, đuối nước.
Đặc biệt khi tắm ngoài trời trong thời tiết quá lạnh, ở nơi trống trải, không kín gió dễ gây phản ứng co mạch máu đột ngột, gây cơn tăng huyết áp kịch phát, đặc biệt nguy hiểm đối với người có bệnh lý nền tăng huyết áp, suy tim, dị dạng mạch máu não, vỡ mạch…. chính là những nguyên nhân đột quỵ.
“Do đó, muốn an toàn khi tập luyện thể dục thể thao trong điều kiện khắc nghiệt, nền nhiệt thay đổi thì người tập buộc phải có một quá trình luyện tập thường xuyên, liên tục trong điều kiện tương đương với điều kiện là sự thích nghi tăng dần.
Người dân tuyệt đối không nên thấy người ta tập như thế cứ tưởng tốt cũng a dua, đua đòi chạy theo là nguy hiểm.
Mình chưa tập bao giờ mà nhảy xuống nước trong trời đông giá rét là tê cóng, chuột rút sẽ bị đuối nước, ngạt nước ngay hoặc có thể gây bệnh lý huyết áp, tim mạch”, PGS. TS Võ Tường Kha cảnh báo.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý thời tiết lạnh là môi trường thích hợp cho một số loại virus đường hô hấp phát triển, gây viêm nhiễm, giảm sức đề kháng cho đường hô hấp nói riêng, toàn bộ cơ thể nói chung.
Hơn thế, nước sông thường không đảm bảo vệ sinh, có thể ẩn chứa nhiều vi khuẩn, gây viêm nhiễm vùng tiếp xúc như mắt, tai, mũi họng, da...
Vậy thời gian bao lâu đủ để cơ thể thích nghi, Giám đốc BV Thể thao Việt Nam cho rằng tuỳ thuộc vào sự thích nghi của mỗi cơ thể.
Tuy nhiên về nguyên tắc phải có một thời gian để hệ thống thần kinh thích nghi đầu tiên, xong đến hệ thống nội tiết, miễn dịch và cuối cùng hệ thống các cơ quan khác trong cơ thể.
“Ít nhất việc luyện tập đó phải thường xuyên trong vòng hàng tháng chứ không thể tính bằng ngày.
Và dù khi đã thích nghi rồi thì ở nhiệt độ môi trường khắc nghiệt hơn. Ví dụ nóng hơn hoặc lạnh hơn cũng đều phải tập luyện. Ví dụ đang thích nghi ở nhiệt độ 14 độ C, thời tiết xuống 4-6 độ C mà anh cứ nghĩ mình quen với lạnh rồi, ra ngoài tập luyện là “chết” ngay.
Do đó, tôi nhấn mạnh rằng mỗi lần thay đổi điều kiện, khí hậu, thời tiết, môi trường bất kỳ cũng phải tập luyện để thích nghi.
Điều này lý giải vì sao các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam khi sang thi đấu ở Thường Châu phải sang đó trước cả tuần, thậm chí cả tháng để tập.
Hay nếu có giải thi đấu ở Châu Phi thì các VĐV cũng phải sang đó trước cả tháng để luyện tập dưới cái nắng, nóng nhằm làm quen dần”, PGS. TS Võ Tường Kha cho hay.
Các chuyên gia cũng lưu ý, trong hoạt động tắm rửa hàng ngày, khi trời lạnh, nên tắm ở nơi kín gió, làm ấm cơ thể từ từ, tránh tắm quá lâu. Tắm xong nên lau, sấy thật khô, mặc quần áo đủ ấm trước khi ra ngoài.
Không tắm ngay sau khi vừa làm việc gắng sức. Đặc biệt, lưu ý không nên tắm đêm.
N. Huyền