Vụ dân tố khuất tất đền bù dự án nghìn tỷ: Có thiếu sót, yêu cầu kiểm điểm

Nhịp sống - Ngày đăng : 11:43, 09/12/2022

UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) kết luận Hội đồng bồi thường Dự án nâng cấp quốc lộ 8A có nhiều thiếu sót trong việc kiểm kê tài sản và công khai niêm yết chưa đảm bảo thời gian, thủ tục.

UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) mới đây đã có văn bản trả lời đơn thư phản ánh của người dân thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1 cho rằng có nhiều bất thường trong quá trình kiểm đếm, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A.

Việc công khai niêm yết chưa đảm bảo thời gian, thủ tục

Theo kết luận, về nội dung phản ánh Hội đồng bồi thường (HĐBT) không thực hiện việc niêm yết, công khai cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án biết, UBND huyện Hương Sơn cho biết quá trình thực hiện, HĐBT có tổ chức họp các hộ dân liên quan.

HĐBT có phát biên bản kiểm kê áp giá bồi thường cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để kiểm tra, đối chiếu, đồng thời có lập biên bản công khai, kết thúc công khai. "Tuy vậy, việc thực hiện công khai niêm yết chưa đảm bảo thời gian, thủ tục theo quy định", văn bản nêu.

Vụ dân tố khuất tất đền bù dự án nghìn tỷ: Có thiếu sót, yêu cầu kiểm điểm - 1

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đi qua thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Ảnh: Dương Nguyên).

Liên quan nội dung phản ánh 1m2 bê tông có giá bồi thường, hỗ trợ khác nhau giữa các hộ ở thôn Kim Cương 2 và thôn Kim Cương 1. Theo UBND huyện này, đơn giá cho 2 thôn được thực hiện theo Quyết định số 04/2021 ngày 5/2/2021 (hiệu lực đến hết ngày 24/2/2022) và Quyết định số 06/2022 ngày 10/2/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh (hiệu lực kể từ ngày 25/2/2022, thay thế cho Quyết định 04/2021).

Tại thôn Kim Cương 2, việc bồi thường, hỗ trợ được UBND huyện phê duyệt phương án dự toán kinh phí ngày 25/1/2022. Thời điểm này, công tác bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 04/2022.

Còn thôn Kim Cương 1 phê duyệt phương án dự toán kinh phí vào ngày 14/4/2022 nên thực hiện theo Quyết định số 06/2022.

Từ đó, UBND huyện khẳng định đơn giá bồi thường, hỗ trợ 1m2 bê tông giữa các thôn có mức giá khác nhau do quy cách, tiêu chuẩn, chủng loại, kết cấu của từng loại bê tông khác nhau, cũng như đơn giá quy định tại thời điểm áp giá theo bộ đơn giá đang có hiệu lực của UBND tỉnh.

Vì sao đền bù cọc tre thành cọc sắt?

Trong đơn, người dân cũng phản ánh việc một số hộ được tăng tiền đền bù như hộ ông Trần Minh Thái từ 70 triệu đồng lên 180 triệu đồng; cây bưởi của hộ bà Trần Thị Bồng từ 1,2 triệu đồng lên 3,2 triệu đồng;..

UBND huyện kết luận có nhiều nguyên nhân như do việc cắm mốc lại, ảnh hưởng tài sản lớn hơn ban đầu; thiếu sót của HĐBT trong việc kiểm đếm cây cối, tài sản, vật kiến trúc;…

Vụ dân tố khuất tất đền bù dự án nghìn tỷ: Có thiếu sót, yêu cầu kiểm điểm - 2

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A, đoạn qua xã Sơn Kim 1 đang dang dở vì nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng (Ảnh: Dương Nguyên).

Về phản ánh cọc đèn chiếu sáng bằng tre dài 3m được đền bù thành cọc sắt 1,7 triệu đồng, HĐBT đã sơ suất, không ghi rõ cột đèn chủng loại bằng tre, khi áp dụng bồi thường không kiểm tra lại mà áp giá theo chủng loại ống mạ kẽm. UBND huyện đã yêu cầu HĐBT điều chỉnh đúng với thực tế và thu hồi phần chênh lệch.

Liên quan việc người dân nghi ngờ HĐBT lập khống hồ sơ để được đền bù, chung chi giữa người nhận và chi tiền, qua kiểm tra, xác minh, UBND huyện Hương Sơn khẳng định không có cơ sở, tài liệu, chứng cứ thể hiện việc này.

Từ phản ánh của người dân, UBND huyện Hương Sơn nhận thấy trong quá trình thực hiện GPMB dự án, Hội đồng bồi thường có thiếu sót nên đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bình Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, trong GPMB không tránh khỏi những sai sót. Khi có ý kiến của người dân, huyện đã tập trung để xử lý bằng cách thành lập một tổ kiểm tra hoàn toàn độc lập, không có ai nằm trong HĐBT.

Để đảm bảo tiến độ dự án, huyện sẽ thành lập nhiều tổ công tác xuống tuyên truyền, vận động, giải thích cặn kẽ để người dân đồng thuận.

"Chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại, làm rõ từng vấn đề của từng hộ. Công tác GPMB sẽ làm theo quy định của pháp luật nhưng việc tuyên truyền, giải thích cho người dân thông suốt là điều quan trọng và ưu tiên hàng đầu", ông Thân nói.

Trước đó, nhiều hộ dân tại thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn phản ánh công tác GPMB chưa thực hiện đúng quy định khi không niêm yết giá đền bù công khai ngay từ đầu và có nhiều vấn đề như trên.

Cho rằng có nhiều khuất tất, họ chưa bàn giao mặt bằng cho Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A.

Quốc lộ 8A có chiều dài hơn 85km, nối từ quốc lộ 1A tại ngã ba Bãi Vọt, thị xã Hồng Lĩnh, đi qua huyện Ðức Thọ, huyện Hương Sơn tới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và sang nước bạn Lào. Sau cả thập kỷ khai thác với mật độ xe tải trọng lớn, lưu thông dày đặc và hứng chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, tuyến đường này đã xuống cấp.

Để khắc phục, tháng 10/2010, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A, đoạn Km37 - Km85+300 (từ thị trấn Phố Châu đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.660 tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước. Chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Dự án được khởi công từ năm 2014 đến nay với 11 gói thầu xây lắp.

Dương Nguyên