Chủ tịch địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện kêu oan

Pháp luật - Ngày đăng : 10:11, 09/12/2022

Khẳng định bản thân không lừa đảo, toàn bộ hoạt động mua bán đất là công khai, minh bạch nên Nguyễn Thái Luyện cho rằng, Viện kiểm sát truy tố bị cáo hoàn toàn là oan sai.

Sáng nay (9/12), phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty địa ốc Alibaba) và các đồng phạm bước vào phần xét hỏi.

Được hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Thái Luyện khẳng định, hành vi nêu trong cáo trạng và truy tố của VKS gây oan sai cho bị cáo.

“Tôi không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tôi không lừa đảo ai cả. Toàn bộ hoạt động của tôi đều công khai, minh bạch. Tôi đã xuất bản hàng trăm cuốn cẩm nang, phát cho nhân viên, khách hàng. Trong đó có cẩm nang viết về quy định pháp luật, phát hành nội bộ công ty. Tôi tổ chức mở bán công khai, tổ chức cho khách hàng đi tham quan. Tôi có mua lại của khách hàng, chưa để ai phải mất tiền”, Nguyễn Thái Luyện trình bày.

Bị cáo Luyện không đồng tình với cáo buộc đã dùng tiền lừa đảo để đi mua đất. Luyện khai, nguồn vốn để kinh doanh là do bị cáo tích lũy nhiều năm.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Nguyễn Nam

“Tôi môi giới cho chủ đầu tư Trần Anh, Hưng Thịnh… nên tôi cũng tích lũy được một số vốn. Tới đầu năm 2017, tôi không môi giới nữa mà đi kinh doanh. Tôi bán 2 thửa đất trước đó của tôi đã có và nhờ ba mẹ cầm cố ngân hàng, vay mượn hơn 10 tỷ của người thân, bạn bè để kinh doanh”, lời Nguyễn Thái Luyện.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc đất nông nghiệp có được phân lô bán nền hay không, Nguyễn Thái Luyện khai, toàn bộ số đất nông nghiệp bị cáo mua là đất nông nghiệp quy hoạch đất ở, sau đó bị cáo về tách thửa.

Luyện cũng cho rằng, ở quận 9 hầu hết các công ty nhỏ lẻ đều hoạt động như phương thức của bị cáo.

Luyện khai, để thực hiện tách thửa đất nông nghiệp, có hai cách đó là nhờ các mối quan hệ để đi xin và vận dụng vào luật Đất đai để tách thửa.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Nguyễn Nam

Về 22 công ty con, Luyện thừa nhận bị cáo là người chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động. Đối với những người đại diện pháp luật không được nhận quyền lợi từ các công ty này mà nhận từ Công ty Alibaba. Tiền thu chi từ 22 công ty con đều nộp về Công ty Alibaba. Con dấu của các công ty này do bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) quản lý.

Về mặt tiền bạc, thu chi, Luyện không trực tiếp quản lý mà giao cho vợ và người quản lý tài chính của công ty.

Theo truy tố, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện pháp luật.

Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án "ma", quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.

Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.