Tứ kết World Cup 2022: Hoa Sơn luận kiếm hay tuyệt đỉnh tranh tài
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 12:00, 09/12/2022
Hoa Sơn luận kiếm là sự kiện võ lâm đặc sắc và nổi tiếng bậc nhất trong kho tàng tác phẩm võ hiệp đồ sộ của cố nhà văn Kim Dung. Sự kiện này xuất hiện và ảnh hưởng xuyên suốt trong Xạ điêu tam bộ khúc, bộ ba tiểu thuyết lừng danh Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp và Ỷ thiên đồ long ký
Cứ định kỳ khoảng 20 năm một lần, những đại cao thủ lẫy lừng thiên hạ từ các môn phái được mời lên núi Hoa Sơn để thi thố võ nghệ. 5 người mạnh nhất sẽ được xưng tụng là Thiên hạ ngũ tuyệt hoặc Võ lâm ngũ bá, trong đó mỗi cao thủ đại diện cho mỗi hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Qua đó định hình cục diện võ lâm.
World Cup chính là "Hoa Sơn luận kiếm" của túc cầu thế giới. Giải đấu này cũng được tổ chức định kỳ (4 năm một lần) và quy tụ những đội bóng mạnh nhất, những ngôi sao sáng chói nhất, hay tựu trung là những gì tinh túy nhất. Kỳ "Hòa Sơn luận kiếm" lần này, giải đấu vừa đi qua vòng 1/8.
Và như một sự xếp đặt tài tình, vòng tứ kết chứng kiến sự hiện diện của hầu hết các thế lực bóng đá hùng mạnh và đặc sắc nhất. Không chỉ vậy, các nền bóng đá này còn tạo ra những cuộc thư hùng vô cùng thú vị.
Nếu ví bóng đá như một cái cây thì đội tuyển quốc gia chính là ngọn. Những gì tinh túy nhất sẽ tập trung ở đây. Cái ngọn muốn vươn cao, vươn xa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giới nghiên cứu đã mất nhiều công sức để đi tìm công thức chung cho thành công của một đất nước trong địa hạt túc cầu. Brazil chính là biểu tượng và khuôn mẫu được đánh giá cao nhất.
Đi từ gốc đến ngọn. Trước tiên, xứ sở Samba ham mê bóng đá cuồng nhiệt. Trái bóng tròn tại đất nước này được tôn sùng như một tôn giáo. Tiếp đến, theo dòng chảy biến thiên của lịch sử, sự giao thoa giữa các chủng tộc giúp người Brazil sở hữu những phẩm chất ưu việt để thi đấu thể thao, đặc biệt là chơi bóng.
Đó là sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ từ ADN phong phú Tây Phi, xuất hiện trong làn sóng nô lệ đến Nam Mỹ làm việc ở đồn điền. Đây chính là gốc gác của Pele, vua bóng đá. Đó là sự am tường và thực dụng trong chơi bóng giống người Âu châu. Lối chơi hoa mỹ nhưng tinh tế của Zico, Socrates hay Kaka thể hiện cho phẩm chất này. Và người Brazil cũng không thiếu dị nhân, quái kiệt chơi bóng khéo léo, uyển chuyển của những con thú rừng Amazon. Đó là sự thừa hưởng từ những thổ dân da đỏ bản xứ. Minh chứng sống động nhất chính là Garrincha, người mang trong mình dòng máu Fulnio.
Đam mê bóng đá, thể chất ưu việt, cộng với diện tích rộng lớn (8,5 triệu km2, lớn thứ 5 thế giới) và dân số đông đúc (217 triệu người, xếp thứ 7 thế giới), không khó để hình dung sự phát triển đồ sộ của hệ thống bóng đá tại Brazil. Tại xứ sở của điệu Samba này, mỗi bang đều có giải vô địch riêng và mỗi khu phố đều có thể thành lập một đội bóng.
Một yếu tố quan trọng không kém, người Brazil có triết lý xuyên suốt trên sân cỏ. Đó là khái niệm Joga Bonito - chơi đẹp. Họ chơi bóng vì niềm vui, sau đó mới đến chiến thắng. Chính nhờ có triết lý, đất nước Nam Mỹ đã sản sinh ra vô số ngôi sao tấn công tỏa sáng rực rỡ trên khắp tinh cầu.
Kết tinh cho những phẩm chất ưu việt vừa nêu chính là đội tuyển Brazil hùng mạnh và giàu truyền thống nhất lịch sử túc cầu với 5 lần đăng quang World Cup. Nếu đất nước nào muốn phát triển bóng đá, Brazil chính là hình mẫu để học hỏi.
Tuy nhiên, Croatia xuất hiện trong thế giới bóng đá như phản đề độc đáo cho sự thành công của đội tuyển áo vàng xanh. Đất nước này rộng chưa đến 60 ngàn cây số vuông và dân số chưa đầy 4 triệu người. Đến năm 1991, Croatia mới tuyên bố độc lập. Chỉ 5 năm sau, quốc gia non trẻ này lần đầu tham dự giải bóng đá lớn: Euro 1996.
Sắc áo ca-rô đỏ trắng dần trở nên quen thuộc tại các giải đấu lớn, khi từ đó đến nay, đội tuyển Croatia chỉ 2 lần không thể vượt qua vòng loại các giải đấu lớn (Euro 2000 và World Cup 2010). Năm 1998, Croatia lần đầu tham dự giải vô địch bóng đá thế giới và thế hệ Davor Suker, Boban kết thúc ở vị trí thứ ba, chỉ chịu thua chủ nhà Pháp ở bán kết. 20 năm sau, World Cup 2018, đến lượt thế hệ Modric, Rakitic, Perisic, Mandzukic vượt qua chiến tích của đàn anh để giành ngôi á quân. Tại đấu trường Euro, Croatia cũng 2 lần lọt vào tới tứ kết. Đó là thành tích nhiều đội tuyển lớn cũng phải mơ ước.
Đến với World Cup 2022, Croatia cũng chính là phản đề của đội tuyển Brazil về con người lẫn lối chơi. Selecao là hiện thân cho lối bóng đá tấn công ngẫu hứng và hoa mỹ, với bộ tứ huyền ảo Neymar - Vinicius - Raphinha - Richarlison trên hàng công. Tuy nhiên, đội bóng áo vàng xanh vẫn khá phụ thuộc vào sự sáng tạo của Neymar. Hai trận đấu ngôi sao thuộc PSG hiện diện (gặp Serbia và Hàn Quốc), Brazil thi đấu cực kỳ thăng hoa. Nhưng hai trận đấu còn lại, Những vũ công samba không thể nhảy múa.
Nếu Brazil lên xuống cùng cảm xúc của hàng tiền đạo thì Croatia sống dựa hoàn toàn vào hàng tiền vệ. Về mặt con người, tất cả những cầu thủ đẳng cấp nhất của đội bóng áo ca-rô hiện diện nơi tuyến giữa, đặc biệt là thủ lĩnh Luka Modric. Vì chất lượng tiền đạo quá kém, trong khi hàng thủ cũng chỉ chơi ở mức tạm được, Brozovic, Modric, Kovacic hay Perisic phải gánh cả hai đầu cấm địa. Để tránh quá tải, Modric và đồng đội sử dụng khả năng cầm bóng, kỹ thuật, nhãn quan để hạn chế sức công phá của đội phương.
Tổng kết lại, Croatia sẽ cố gắng dền dứ trận đấu vào loạt đá luân lưu, nơi đội bóng áo ca-rô cực kỳ bản lĩnh và thiện nghệ. Ngược lại, Brazil luôn muốn giải quyết trận đấu trong 90 phút và ghi càng nhiều bàn càng tốt để... nhảy samba.
Mỗi khi Hà Lan đụng độ Argentina, người hâm mộ được thả trí tưởng tượng trong sự tươi màu của những sắc áo lẫn phong cách bóng đá. Đội bóng áo da cam là hiện thân cho thứ bóng đá siêu hình Total Football (bóng đá tổng lực), chiến thuật đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ tới từng cầu thủ để khai thác triệt để không gian. Ngược lại, bóng đá Argentina lại tôn trọng cá tính và sự sáng tạo của từng cá nhân. Đừng ai nghĩ có thể bắt Maradona phải làm gì. Cũng đừng ai hy vọng sẽ thuyết phục Messi phải chạy.
Hoặc đặc trưng khác là các trung phong ích kỷ của bóng đá Argentina. Từ Gabriel Batistuta, Hernan Crespo, Higuain, Sergio Aguero cho đến Lautaro Martinez hay Julian Alvarez ngày nay, họ đều ưa độc lập tác chiến, một mình vẫy vùng trong vòng cấm hơn là phối hợp với tiền đạo khác. Bởi vậy, đã dùng Batistuta thì thôi Crespo, đã có Alvarez thì Martinez dự bị.
Sự va đập đầu tiên của hai tư tưởng đối nghịch này là tại tứ kết World Cup 1974. Người Argentina chế giễu thứ bóng đá xoay như chong chóng của người Hà Lan và nhận cái kết không thể ê chề hơn, khi Johan Cruyff và các đồng đội giành chiến thắng 4 bàn không gỡ. Thất bại này tác động sâu sắc đến bóng đá xứ sở tango, kết quả là quyết định bổ nhiệm Cesar Luis Menotti, vị chiến lược gia canh tân, triết lý, sâu sắc và trí tuệ.
4 năm sau, Argentina thanh toán sòng phẳng món nợ. Mario Kempes dẫn dắt Albiceleste đánh bại Cơn lốc màu da cam với tỷ số 3-1 trong trận chung kết World Cup 1978 trên sân nhà. Thiếu Cruyff, tuy vẫn ở đẳng cấp thế giới nhưng Hà Lan không đủ khả năng đánh bại Argentina về kỹ chiến thuật lẫn thể lực. Tuy nhiên, đối với người Hà Lan và phần lớn thế giới bóng đá, Argentina lẽ ra ngay từ đầu đã không thể có mặt trong trận chung kết. Chiến thắng tai tiếng 6-0 trước Peru đã giúp Albiceleste vượt lên trên kình địch Brazil ở vòng bảng, kết quả bị cho là có sự can thiệp của nhà độc tài quân sự Jorge Rafael Videla. Kể từ đó Hà Lan luôn có sự nuối tiếc và tức tối khi nhắc đến World Cup 1978.
"Mỗi khi chạm trán Argentina, chúng tôi đều nhớ đến trận chung kết năm ấy", cựu danh thủ Ruud van Nistelrooy thừa nhận. Vì vậy, tuy không nổi đình nổi đám hay hận thù sâu sắc nhưng mỗi khi đội bóng áo da cam chạm trán đội bóng áo trắng xanh, các trận đấu luôn diễn ra cực kỳ căng thắng. Từ cuộc đụng độ tại tứ kết World Cup 1998 ghi dấu ấn bàn thắng đẳng cấp của Bergkamp giúp Hà Lan kết liễu Argentina 2-1, đến bán kết World Cup 2014 mà Argentina của Messi thắng Hà Lan trên chấm luân lưu.
Màn thư hùng trước mắt sẽ không là ngoại lệ. Người Argentina sẽ tiếp tục trông chờ vào những phép màu xuất hiện từ đôi chân thiên tài Messi. Trong khi đó, người Hà Lan nhẫn nại đợi chờ "ông đồ gàn" Louis van Gaal xếp đặt học trò chống đỡ và chờ đợi cơ hội.
Giữa người Anh và người Pháp, đơn giản là không đội trời chung. Người Anh xem người Pháp là đề tài chế giễu và ngược lại. Sự thù nghịch sâu sắc từ văn hóa, lịch sử, chính trị cho đến xã hội giữa hai quốc gia được đúc kết trong câu ngạn ngữ đơn giản: Điều tuyệt vời nhất giữa Anh và Pháp là eo biển Manche. Chú giải: nếu không có eo biển Manche và hai quốc gia này đứng cạnh nhau thì sự xung đột không biết còn khủng khiếp như thế nào.
Trở lại với địa hạt bóng đá, sự kình địch giữa hai nền bóng đá lớn cũng sâu sắc chẳng kém. Nếu người Anh phát minh ra bóng đá thì người Pháp là kiến trúc sư hệ thống hóa môn thể thao vĩ đại này. Các giải đấu bóng đá danh giá nhất thế giới hiện nay, từ Champions League đến World Cup đều do những người Pháp xây dựng. Ngay cả danh hiệu tôn vinh các cá nhân hàng năm, người Pháp cũng lấn lướt cả FIFA. Đó là Quả bóng vàng do tạp chí France Football trao tặng.
Vì vậy mỗi cuộc đụng độ giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Pháp, đặc biệt tại các giải đấu lớn, luôn thu hút sự chú ý từ mọi khía cạnh. Cuộc đụng độ tại tứ kết World Cup 2022 càng không phải là ngoại lệ. Đối với người Anh, liệu còn điều gì tuyệt vời hơn khi biến người Pháp thành cựu vương. Đối với người Pháp, liệu còn chiến thắng vào vinh quang hơn chiến thắng trước người Anh. Đó sẽ là trận chiến mà cả đôi bên đều không dám nghĩ đến việc thất trận.
Đội tuyển Anh dưới sự dẫn dắt của HLV Gareth Southgate đang sở hữu đội hình thật trẻ trung sung mãn và được dẫn dắt bởi hai cầu thủ cùng có tên Harry. Harry Maguire là thủ lĩnh hàng phòng ngự còn Harry Kane dẫn dắt trên mặt trận tấn công. Mỗi Harry đều đem đến những điểm độc đáo riêng. Maguire vượt qua mặc cảm tại Man Utd để một lần nữa khẳng định đẳng cấp lẫn vị thế trong màu áo Tam Sư. Trong khi đó, Kane đang chơi ở vị trí trung phong nhưng trong vai trò sáng tạo. Sau 4 trận đấu, tiền đạo này chưa ghi bàn nào nhưng là cầu thủ kiến tạo nhiều nhất World Cup 2022.
Ngoài ra, Jude Bellingham đang nổi lên như một hiện tượng, điều những thần đồng như Paul Gascoigne, Michael Owen hay Wayne Rooney đã thể hiện. Sự khác biệt là Bellingham đặt dấu ấn ở trung tuyến, trong vai trò tiền vệ con thoi, vị trí đòi hỏi sự đa năng. Thế nên ngoài việc tạo ra những đột biến trong các pha lên bóng, tài năng trẻ này còn được đánh giá cao trong khâu kiểm soát thế trận và đánh chặn.
Người Pháp hẳn sẽ ước có một Bellingham trong đội hình, hoặc đúng hơn là một Paul Pogba như World Cup 2018 họ đã đăng quang. Tuy đã thể hiện được sức công phá khủng khiếp nhờ một Mbappe bùng nổ nhưng các nhà đương kim vô địch chưa làm tốt nhiệm vụ làm chủ thế trận. Từ các trận đấu vòng bảng đến cuộc chạm trán Ba Lan tại vòng 1/8, Pháp đều không cầm nhiều bóng hơn đối phương là bao. Đó sẽ là điểm yếu thầy trò Southgate chú tâm để khai thác. Ngược lại, phong tỏa được Mbappe hay không sẽ là nhiệm vụ của Maguire và đồng đội. Nếu Maguire thành công, Man Utd nên xem lại cách dùng người!
Bất ngờ Morocco đã khiến trận derby bán đảo Iberia không thể xảy ra tại tứ kết World Cup 2022. Điều đó cũng đồng nghĩa biến cặp đấu giữa Morocco và Bồ Đào Nha trở thành cuộc so tài giữa hai hiện tượng. Trước khi giải vô địch bóng đá thế giới khởi tranh, cả hai đội bóng này đều không được đánh giá cao. Sự thật là như vậy.
Bồ Đào Nha vốn được xếp vào dạng ông lớn, song trớ trêu ở chỗ, sự hiện diện của Cristiano Ronaldo khiến đội bóng này không được đánh giá cao. Siêu sao vừa mất việc tại Man Utd đã quá già cỗi và trở thành trở lực để Bồ Đào Nha tiến lên. Thậm chí đến tờ A Bola, nhật báo thể thao lớn nhất nước này từng giật tít: "Bớt Ronaldo, thêm Bồ Đào Nha".
Phải đến vòng 1/8, HLV Fernando Santos, cũng là một nhà cầm quân lớn tuổi và thủ cựu, mới dám bỏ CR7 ra khỏi đội hình. Kết quả là Bồ Đào Nha thăng hoa bằng màn hủy diệt Thụy Sỹ tới 6-1. Không Ronaldo, những Bruno Fernandes, Joao Felix và đặc biệt là Goncalo Ramos, người thay chính vị trí của CR7, như được cởi bỏ trói buộc phải phục vụ đàn anh và thi đấu cực kỳ thăng hoa.
Nên nhớ chiến thắng quan trọng nhất của Bồ Đào Nha trong kỷ nguyên Ronaldo cũng là trong một trận đấu cầu thủ này rời sân sớm. Đó là chung kết Euro 2016 với đội tuyển Pháp. Vì vậy, khi đã bỏ được Ronaldo ra ngoài sân, Bồ Đào Nha không còn là hiện tượng nữa. Bây giờ, các học trò của HLV Santos sẽ là ứng cử viên vô địch. Nhiệm vụ tiếp theo của họ sẽ là giải mã Morocco, một hiện tượng thú vị.
Ví von một cách hình ảnh, đội tuyển Morocco chỉ mới thành lập cách đây… 2 tháng. Đó là thời điểm HLV kỳ cựu Halilhodzic bị sa thải. Regragui được bổ nhiệm thay thế. Ngay lập tức ông mời Hakim Ziyech cùng một loạt ngôi sao của bóng đá Morocco trở lại đội tuyển. Trước đó, những cầu thủ này bị Halilhodzic cấm cửa. Nhà cầm quân thủ cựu này còn tuyên bố "Ziyech dù là Messi cũng không được triệu tập".
Thay tướng, thay quân, nghiễm nhiên đội tuyển Morocco phải xáo trộn mọi thứ. Và không thể ngờ đội bóng chỉ có 2 tháng để chuẩn bị ấy đã vượt qua bảng đấu có Bỉ và Croatia, rồi tiếp tục đánh bại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, vì thời gian chuẩn bị eo hẹp, Morocco vẫn là đội bóng đầy rẫy sơ hở. Điểm mạnh lớn nhất của thầy trò Regragui là tinh thần và sự thăng hoa. Nhưng chính những phẩm chất ấy mới khó lường.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Tuấn Huy
09/12/2022