Bí mật khó tin của đoàn xiếc, đưa đầu vào miệng cá sấu

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:09, 10/12/2022

Cửa chuồng mở toang. Con gấu nặng nề bước ra. Nhìn thấy người thanh niên đứng gần, nó chồm lên. Anh đưa tay choàng lấy nó. Người và thú chào nhau buổi sáng thân thiện và đầy ắp yêu thương. Cả hai đưa nhau vào bên trong. Cữ tập buổi sáng bắt đầu ...

Cuộc sống: tình người, tình thú

Chúng tôi có mặt tại điểm biểu diễn xiếc thú của đoàn xiếc thú Hồng Lộc bên trong khu du lịch Suối Tiên (P. Tân Phú, Q.9, TP.HCM) Bước vào trong, quang cảnh vô cùng sinh động. Hơn 10 người - đa số là thanh niên đang luyện thú.

Sân khấu xiếc thú Hồng Lộc bên trong KDL Suối Tiên

Người đàn ông đứng tuổi ăn mặc đơn giản. Trong tay ông, con khỉ đang riu ríu làm theo những lời ông nói. Nó đứng. Nó ngồi. Nó tréo chân như người ....

Ông là NSUT Lê Hồng Lộc, 60 tuổi. Ông là người lập ra và làm chủ đoàn xiếc Hồng Lộc từ hơn 10 năm nay. Trước đây, ông công tác tại liên đoàn Xiếc VN. Gần đây, tuổi đã cao ông xin về hưu để chuyên tâm với đoàn xiếc theo mô hình xã hội hóa này.

Con khỉ trong tay ông đã xong bài huấn luyện. Ông cột nó vào một góc và đưa tận tay nó một quả dưa leo. Con thú mừng rỡ chụp lấy và nhai ngấu nghiến. Dường như có một sợi dây vô hình nào thắt chặt tình cảm giữa người và thú.

NSUT Lê Hồng Lộc, giám đốc đoàn xiếc đang luyện tập thú

"Con thú từ hoang dã đem về huấn luyện, bước đầu chúng không thương mình đâu anh à. Sau nhiều tháng, có khi cả năm con thú thuần thục, mình tiếp tục huấn luyện về tâm lý để từ đó, chúng và người huấn luyện trở nên thân thương hơn".

Tập ngồi tréo chân

Tập ngồi tréo chân Đi xe đạp. Chiếc xe đạp nhỏ bé này được chế tạo riêng cho chú khỉ con.

Ông Lộc cho biết thêm, hiện đoàn xiếc của ông có tất cả 12 loại thú vừa thú rừng vừa thú nhà gồm gấu, khỉ, cá sấu, trăn, vượn, chim, chó sói, chó nhà, rắn, dê, gà vịt, heo. Công việc huấn luyện các loại thú rừng xem ra còn dễ hơn các loại thú nhà. Mỗi loài có cái khó riêng của nó. Công việc của mình là làm sao có kịch bản tốt, tác phẩm hay để đưa lên sân khấu biểu diễn.

Tất cả các loài thú ở đây hiện không còn trong giai đoạn huấn luyện. Chúng đã thuần thục mọi động tác nhưng không thể lơ là với chúng được bởi - cũng như người - văn phải ôn võ phải luyện. Hàng ngày chúng tôi đều tập, tức là ôn bài cho chúng. Mỗi con thú có một năng khiếu riêng mình khai thác được hết năng khiếu của nó sẽ có được tác phẩm hay thôi...

Nghề xiếc là một nghề đặc thù. Xiếc thú càng khó hơn. Một con thú hoang dã đem về luyện cho thuần thục không phải ngày một ngày hai. Người huấn luyện phải là người có tâm với thú bởi chúng cũng như người cũng hỉ nộ ái ố. Vì thế, da số các nhân viên làm việc ở đây ai nấy cũng đều có một niềm đam mê cháy bỏng với nghề nghiệp. Không đam mê, không yêu thương thú và không hết lòng với nghề nghiệp khó trụ vững được. Vì không có trường đào tạo nên hầu hết những anh em làm việc ở đây đều do một tay tôi huấn luyện.

Nỗi niềm

Ngoài sân, trong hậu trường và ngay cả trên sân khấu những bài tập đang diễn ra. Những con chó, con dê, con khỉ thậm chí cả những con bồ câu đều phải vào bài học. Người luyện thú cần mẫn. Những con thú chăm ngoan. Cả thấy và trò dồn hết tâm trí và sức lực vào bài tập.

Luân và Nhị

Đón bóng

Việc ai nấy làm. Trong lúc mọi người đang say sưa luyện thú, cánh cổng chuồng gấu được mở toang. Một con gấu to, mập nặng nề bước ra. Nhìn thấy người thanh niên đứng bên cạnh, nó ra vẻ mừng rỡ chồm lên. Anh thanh niên đưa tay choàng qua vai nó. Thân mật và đầy ắp thương yêu. Cả hai cùng dắt nhau đi vào bên trong hậu trường.

Đi xe đạp

 Giữ thăng bằng

Người thanh niên dẫn gấu đi là anh Nguyễn Thế Luân, 30 tuổi. Anh đến với đoàn ngay từ khi đoàn mới thành lập 10 năm về trước. Cũng là "đệ tử" của ông Lộc, anh Luân được giao nhiệm vụ luyện gấu. Con gấu đang đứng nhảy chồm lên chiếc bàn kê sẵn. Trên bàn có một miếng ván gát lên trên khúc ống sắt. Không chần chừ, gấu nhảy lên miếng ván. Lắc lư. Đảo qua đảo lại một chút rồi lấy được thăng bằng. Anh Luân ném cho nó trái banh đầu tiên. Nó ôm chặt. Mặc dù đứng trên miếng ván chao đảo nhưng nó chụp banh vẫn chính xác. Rồi trái thứ 2 ập đến. No vứt trai thứ nhất chụp ngay trái thứ 2. Cứ thế hết trái banh này đến trái banh khác. Không có tình huống "trật nhịp" nào xảy ra ...

"Con gấu này tên Nhị". Anh Luân nói. Chúng tôi tiếp quản Nhị khi nó mới sinh ra nặng chừng 2kgs. Nhị được sinh ra từ các trại nuôi gấu lấy mật. Chúng tôi mua về làm giấy phép kiểm lâm rồi huấn luyện. Nhị được nuôi rất chu đáo. Cũng cho bú bình, cũng ăn cháo nhão như một đứa trẻ con. Đến khi nặng 10kgs mới bắt đầu cho Nhị tập. Quá trình tập Nhị tỏ ra thông minh và tiếp thu bài vở rất nhanh. Thời gian huấn luyện Nhị mất hết 18 tháng. Nhị được cho lên sân khấu biểu diễn. Bước đầu Nhị cũng chưa phát huy hết tài năng. Phải mất thêm 2 năm nữa nghĩa là được như hôm nay, Nhị phải trải qua 3 năm rưỡi luyện tập mới nên.

Anh Luân và Nhị, chứa chan tình cảm.

 Anh Luân âu yếm nhìn Nhị. Nhị bẽn lẽn gục đầu vào vai anh. Giây phút này dường như Nhị đã biến thành người. Cả hai người, cả hai trái tim cùng nhịp đập. Vuốt lên đầu Nhị, anh Luân dẫn chiếc xe đạp đến. Nhị leo lên và lượn vòng một cách nhuần nhuyễn.

Cũng đã hơn một giờ "ôn bài", anh Luân và Nhị bước ra. Nhị đi 2 chân sánh vai với anh Luân. Nhìn hình ảnh này, chúng tôi thầm nghĩ nếu phải lựa chọn trở về với thiên nhiên hoang dã hay sống với anh Luân chắn chắn Nhị sẽ chọn giải pháp thứ 2.

Ngoài gấu ra, chúng tôi đề nghị ông Lộc cho xem những con thú dữ khác. Ông Lộc nói: "Đã làm nghề luyện thú thì không có con thú nào mình ngán cả. Thế nhưng, tình trạng pháp lý đối với các động vật hoang dã không cho phép mình làm theo ý muốn được. Vì thế các loài như hổ, beo, sư tử đều vằng bóng.

Ông Lộc cho biết thêm, hiện đoàn của ông còn có thể biểu diễn với cá sấu. Diễn viên có thể đưa đầu vào miệng cá mà vẫn an toàn. Mới nghe qua đã rùng mình.

Luyện tập dê

 Tập bồ câu bay theo ý người.

Con thú cũng như con người. Công việc của mình là dạy chúng làm những công việc bình thường và giản dị như đi xe đạp, tập thể thao, những động tác đơn giản mà con người thường làm. Chính những điều đơn giản đó lại nuôi sống cả một tập thể mấy chục người. Vì thế không thể đối xử với chúng như con vật mặc dù ... chúng là con vật.

 Chúng cũng có tuổi già và khi tuổi già ập đến tâm tính cũng thay đổi. Chính vì thế, khi chúng đã già, chúng tôi buột lòng phải thanh lý. Mình không thể trả nghĩa cho con vật đã nuôi mình trong nhiều năm bằng cách bán ra ngoại thị trường để làm thịt. Chúng tôi tặng chúng cho các công viên có nuôi động vật hoặc những người sưu tầm có tâm thương yêu thú với kỳ vọng chúng được dưỡng già cho đến hết đời. Ông Lộc trăn trở với chúng tôi như thế.

Phải thế thôi. Miếng cơm mình ăn trong miệng có mồ hôi của chúng. Trân trọng và nâng niu...

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 05/03/2016   
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/bi-mat-kho-tin-cua-doan-xiec-dua-dau-vao-mieng-ca-sau-292411.html

Trần Chánh Nghĩa