Thời sự 24 giờ: Cán bộ Sở TN-MT Đắc Nông điều hành đường dây cá độ bóng đá gần 600 tỷ đồng
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 07/12/2022
Triệt phá đường dây cá độ bóng đá gần 600 tỷ đồng do cán bộ Sở TN-MT điều hành
Công an tỉnh Đắk Nông vừa triệt phá đường dây cá độ bóng đá gần 600 tỷ đồng do Lương Ngọc Thành (SN 1993), cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, là người trực tiếp điều hành.
Theo kết quả điều tra, đầu tháng 11, Huỳnh Kim Trí (1993, trú huyện Đắk Mil) gặp Lê Duy Tú (1993, trú huyện Đắk R'lấp) và Lương Ngọc Thành bàn bạc, thống nhất nhận tài khoản cá độ bóng đá qua internet để tổ chức cá độ trong dịp World Cup 2022. Trí liên hệ với một người tên Vũ (công an chưa lấy lời khai cụ thể) kết nối với một tổ chức cá độ bóng đá ở TPHCM để nhận tài khoản cá độ với tổng hạn mức 50.000 điểm.
Xem thêm: Chuyên gia tội phạm học phân tích vì sao hơn 90% dân cá độ "trắng tay"
Cơ quan công an xác định Lương Ngọc Thành giữ vai trò điều hành, đưa ra quy tắc để những người cá độ tham gia đặt cược. Trí phụ trách quản lý tài khoản đại lý cá độ. Tú và Nguyễn Ngọc Trúc Thanh (1985, trú huyện Đắk Song) phụ trách tìm người cá độ và giao tài khoản cá độ; trực tiếp giao dịch tiền khi thắng, thua với con bạc.
Xem thêm: Người dân cần cảnh giác với tin nhắn mời chào tham gia cá độ mùa World Cup 2022
Ngày 2/12, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang Trí đang giao tài khoản cá độ cho Phạm Minh Nhật (SN 1987, trú huyện Đắk Song) và nhận số tiền thắng độ 5 triệu đồng. Cơ quan công an tiếp tục bắt giữ Thành, Tú và 13 đối tượng tham gia trong đường dây cá độ.
Ngoài Lương Ngọc Thành, công an xác định còn có Nguyễn Ngọc Trung, chuyên viên Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Nông. Số lượng người tham gia đánh bạc ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, hoạt động rất tinh vi với số tiền giao dịch gần 600 tỷ đồng.
Sở Y tế TPHCM đang làm rõ sự việc một ca tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ
Sở Y tế TPHCM cho biết đã tiếp nhận thông tin và đang làm rõ một trường hợp tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ. Theo báo cáo ban đầu, ngày 26/11/2022, chị N.T.P (25 tuổi) đến Trung tâm thẩm mỹ “Key Beauty Center”, địa chỉ 154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận để đốt mỡ vùng 2 cánh tay và ngực trái.
Xem thêm: Hiện trường ngổn ngang bơm tiêm, máy hút dịch còn máu đỏ tại thẩm mỹ viện không phép
Sau khi tiêm thuốc chuẩn bị tiền phẫu, bệnh nhân có biểu hiện tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn, được ép tim ngoài lồng ngực và chuyển sang khoa Cấp cứu Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm: Thẩm mỹ viện hút mỡ, nâng ngực ‘chui’ khiến khách thiệt mạng
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 13 giờ 37 phút ngày 26/11/2022, bệnh nhân trong tình trạng mê sâu, thở máy qua nội khí quản. Bệnh nhân được hồi sức tích cực nhưng đã tử vong ngày 29/11/2022. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ nghi do thuốc gây tê/mê, tổn thương não do thiếu ôxy, biến chứng hôn mê, suy hô hấp tuần hoàn. Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo vụ việc này cho Sở Y tế TPHCM.
Xem thêm: Chủ thẩm mỹ viện "hô biến" thành bác sĩ để nâng mũi, cắt môi khách
Sau khi sự việc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Phòng Y tế Quận, UBND, Công an Phường 8, Quận Phú Nhuận tiến hành kiểm tra tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế khi kiểm tra, không có biển hiệu (biển hiệu đã tháo gỡ), căn nhà hai tầng đang sửa chữa, các phòng trên tầng 1, 2 đã dọn sạch; tại tầng trệt còn sót lại 1 ghế tiểu phẫu đang dọn.
Đã tìm được cô gái mất tích hơn 3 ngày tại TP. HCM
Hơn 3 ngày tìm kiếm, gia đình đã gặp nữ sinh tại quận 10, TPHCM. Nguyên nhân là do áp lực nợ tiền vay qua app và sợ gia đình la rầy nên nữ sinh lái xe máy rời khỏi nhà.
Ngày 7/12, ông Phạm Văn Hội (52 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) cho biết, gia đình đã tìm thấy con gái là P.N.Q.N. (20 tuổi) rời khỏi nhà và bị mất liên lạc hơn 3 ngày.
Cụ thể, chiều 6/12, lực lượng chức năng lần theo dấu vết của điện thoại và xe máy thì phát hiện N. ở một chung cư tại quận 10 nên tiếp xúc động viên, hỏi thăm và thông tin cho ông Hội đến đưa về nhà
ông Hội cho biết, hồi tháng 10, N. đi làm thêm và làm bể đồ của quán ăn (trị giá gần 2 triệu đồng). Do không có tiền bồi thường nên N. phải vay từ nhiều app.
"Không có tiền trả cho các app này và bị gọi điện đòi tiền liên tục nên cháu bị áp lực rồi bỏ nhà đi. Hiện sức khỏe cháu bình thường nhưng tâm lý vẫn chưa ổn định. Tôi cảm ơn mọi người đã hỗ trợ gia đình trong những ngày vừa qua", ông Hội chia sẻ.
Theo ông Hội, sau khi đi xe máy khỏi nhà, N. thuê khách sạn ở 2 đêm cho đến khi gia đình tìm thấy tại chung cư ở quận 10.
Trước đó, chiều 3/12, N. lái xe máy rời khỏi nhà ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Tối cùng ngày, ông Hội không thấy con gái về nên gọi điện thoại nhưng không được.
Đến khoảng 22h40 ngày 3/12, N. gọi điện về thông báo đang ở nhà bạn tại Bến Tre và nói sáng 4/12 sẽ cùng bạn đi lên TPHCM.
Do không thấy con gái về nhà và không thể liên lạc, ông Hội đăng thông tin lên mạng xã hội, đồng thời trình báo sự việc cho Công an xã Xuân Thới Sơn giúp đỡ.
Phiên tòa xử vụ Alibaba: tòa dựng 3 nhà bạt cho phiên tòa hơn 4500 bị hại
Ngày mai 8/12 , TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử đối với Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, ngụ tại Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba) và các đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Xem thêm: Kẻ chết, người bị đánh bầm dập khi dính cú lừa của địa ốc Alibaba
Đây là phiên tòa có nhiều bị hại nhất với 4.500 người, các bị hại phân bố đều ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước và tất cả các quận huyện của TP.HCM; hồ sơ vụ án có hơn 1 triệu bút lục và để thực hiện xét xử kéo dài, TAND TP.HCM đã phải chi ra hàng tỉ đồng cho công tác tổ chức.
Do số lượng bị hại quá lớn (3.986 người) nên Tòa đã có thông báo về kế hoạch xét xử theo từng dự án, mọi diễn biến phiên tòa sẽ được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vì số bị hại đông, tòa cũng không thể nào thẩm vấn trong một ngày mà xong hết nên phải chia thành các nhóm bị hại theo từng dự án.
Các bị hại đều đã nhận được giấy triệu tập và cần đến đúng ngày để tòa thẩm vấn. Do đó, lượng bị hại chia ra trong nhiều ngày chứ không tập trung tất cả các ngày để tránh mất thời gian đi lại và tòa cũng không bị quá tải.
Để phục vụ những người liên quan, các bị cáo và người theo dõi phiên tòa, TAND TP.HCM đã dựng 3 nhà bạt đủ sức chứa 2000 người, kê ghế và lắp một màn hình lớn ở sân tòa để người dân có thể theo dõi trực tiếp phiên tòa.
Xem thêm: Vợ và em Nguyễn Thái Luyện 'rửa tiền' như thế nào tại Công ty Alibaba?
Để đảm bảo quyền lợi của các đương sự được tham gia và trình bày ý kiến tại phiên tòa, TAND TP.HCM đề nghị các bị hại lên phiên tòa theo đúng dự án và thời gian (khi đi đem theo phiếu thu, hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ tùy thân).
Quá trình xét xử, TAND TP.HCM sẽ cập nhật diễn biến và kế hoạch xét hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị tất cả đương sự theo dõi và thực hiện đúng thông báo của tòa án.
Để phục vụ những người liên quan, các bị cáo và người theo dõi phiên tòa, TAND TP.HCM đã dựng 3 nhà bạt đủ sức chứa 2000 người, kê ghế và lắp một màn hình lớn ở sân tòa để người dân có thể theo dõi trực tiếp phiên tòa.
Giao dịch từ 300 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền. Theo đó, khách hàng thực hiện giao dịch có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính phải báo cáo NHNN.
Theo NHNN, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 thay thế cho Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012. Trong đó, Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Theo dự thảo này, giá trị giao dịch phải báo cáo là 300 triệu đồng. Mức giá trị này tương đương quy định trước đó tại Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013. Việc giữ nguyên mức giá trị này phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam.
Ngoài ra, theo khuyến nghị Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng, cao hơn mức quy định tại dự thảo quyết định). Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400 triệu đồng sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF nên NHNN kiến nghị giữ nguyên mức giá trị trên để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khuyến nghị.