Đồng USD giảm mạnh, dòng tiền đổ vào cổ phiếu thị trường mới nổi
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 07:08, 07/12/2022
Dòng vốn đảo chiều
Dòng tiền có tín hiệu đảo chiều theo những biến động của đồng USD sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu giảm tốc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế số 1 thế giới.
Trong tháng 11, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - giảm 5% khi giới đầu tư kỳ vọng vào lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở Mỹ và Fed sẽ chậm dần tốc độ tăng lãi suất.
Trong tháng 11, theo SSI Research, dòng tiền vào các tài sản tài chính cải thiện, đặc biệt là dòng vốn vào thị trường mới nổi (EM). Các quỹ cổ phiếu vào ròng nhẹ 6,5 tỷ USD, trong đó dòng vốn vào các quỹ châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) vào ròng 9,6 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, phân bổ dòng tiền chủ yếu vẫn vào các quỹ cổ phiếu (+207 tỷ USD), trong khi đó các quỹ trái phiếu rút ròng 252 tỷ USD.
Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) giảm nhiệt. Dòng vốn DM rút ròng 3,4 tỷ USD, trong đó dòng vốn vào thị trường Mỹ yếu đi rõ nét (chỉ vào ròng 1,6 tỷ USD trong tháng 11, so với mức 35 tỷ USD tháng 10).
Đồng USD yếu đi giúp dòng vốn chuyển hướng vào thị trường mới nổi. Việc Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách Covid-19 giúp dòng tiền vào mạnh các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Yếu tố này đã giúp thị trường chứng khoán châu Á trong tháng 11 có mức tăng vượt trội, khi chỉ số MSCI châu Á (trừ Nhật Bản) tăng tới 18,8%, so với mức tăng khiêm tốn 5,6% của chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P500 của Mỹ.
Chỉ số VN-Index tăng mạnh hơn 24%, từ mức 873 điểm sáng 16/11 lên mức trên 1.090 điểm hôm 5/12, trước khi điều chỉnh về ngưỡng 1.050 điểm hôm 6/12.
Thị trường mới nổi tích cực trong tháng 12
Theo SSI Research, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu sẽ có sự phân hóa trong tháng 12, trong đó thị trường mới nổi sẽ tiếp tục đà tích cực và thị trường phát triển thận trọng.
Tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng một lượng lớn cổ phiếu. Trong tháng 11, khối ngoại mua ròng hơn 16,9 nghìn tỷ đồng. Trong 4 phiên từ 1-6/12, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng thêm 5.532 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
Gần đây, khối ngoại tập trung mạnh mua một số mã bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và tiêu dùng như: Vinhomes (VHM), Nhà Khang Điền (KDH), Vingroup (VIC), Sacombank (STB), Chứng khoán SSI (SSI), VietinBank (CTG), Masan (MSN), Vinamilk (VNM) với giá trị hàng trăm cho tới cả nghìn tỷ đồng/mã.
Nhịp giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 đã kích hoạt dòng vốn nước ngoài giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Trong đó, dòng tiền tích cực lan tỏa ở nhiều quỹ ETF.
Nổi bật nhất là các quỹ Fubon (+2.722 tỷ đồng), VNDiamond (+1.952 tỷ), VanEck (+972 tỷ), VFM VN30 (+689 tỷ), VNFIN Lead (+468 tỷ), và FTSE Vietnam (+354 tỷ).
Ngược lại, chỉ có 2 quỹ bị rút ròng với giá trị không đáng kể là Mirae Asset VN30 (-166 tỷ) và Premia Vietnam (-46 tỷ). Lũy kế từ đầu năm, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục là 18.849 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.522 tỷ đồng của cả năm 2021.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng đồng loạt giải ngân trong tháng 11. Tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận gần 900 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Tín hiệu tích cực từ các quỹ chủ động là cường độ giải ngân khá đồng đều, bao gồm cả các quỹ nội và quỹ ngoại, trải dài xuyên suốt tháng 11.
Hiện tại, giới đầu tư đặt kỳ vọng nhiều vào khả năng đồng USD còn đi xuống và nền kinh tế số 2 thế giới - Trung Quốc mở rộng cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn sớm để biết khi nào Trung Quốc sẽ loại bỏ chính sách "Zero-Covid".