Anh thợ hồ mất hai tay, bán vé số nuôi 6 miệng ăn "ráng mơ một đám cưới"
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:20, 06/12/2022
Đôi vợ chồng nghèo 4 con chưa từng nghĩ đến đám cưới
Anh Ngô Kỳ Phong (25 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) phải cưa cụt cả hai tay hồi tháng 9/2022, do bị điện giật khi đang sửa nhà cho khách. Hai vợ chồng có 4 người con, lớn nhất hiện 6 tuổi, nhỏ nhất mới chỉ 4 tháng tuổi.
Trong căn nhà cũ nát khoảng 20m2, mưa xuống là dột, bầy trẻ nhỏ đang òa khóc vì đói. Đôi vợ chồng trẻ thương con xé lòng nhưng bất lực, chỉ biết cố ngăn nước mắt, cố bám trụ, không buông xuôi số phận.
"Vì không còn tay nên không làm nghề khác được, tôi chỉ có thể bán vé số, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cũng may cô chú xung quanh thương tình, hay giúp đỡ lắm", anh Phong bộc bạch.
Mỗi tháng, anh kiếm được khoảng 6 triệu đồng nhưng phải chi trả tiền thuốc cho bản thân hết gần 2,5 triệu đồng. Cả gia đình đủ khoản phải chi tiêu, tiền trọ, điện, nước, học phí... tính sơ đã hơn 7 triệu đồng.
Hai vợ chồng anh chật vật mỗi ngày để vun vén cho đủ 4 miệng ăn. Ngoài ra, cả hai vẫn cố để con được đến trường đều đặn. Tháng nào khó khăn quá, ông bố 25 tuổi, 4 con phải chạy vạy vay mượn tiền hàng xóm, ba mẹ, kiểu "giật gấu vá vai".
Vốn dĩ gia đình, người thân cũng chẳng khấm khá gì nên những hỗ trợ nhận được cũng chỉ vài chục ngàn tiền mua gạo hay vài lạng thịt cho bọn trẻ một bữa cơm no.
Anh Phong kể, bản thân sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Long An. Bố mẹ không lo đủ cho con đi học nên anh không biết chữ. Lớn lên, hễ ai kêu gì thì Phong làm nấy, lăn lộn với đời từ sớm để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ.
Năm năm trước, anh tình cờ gặp chị Tạ Ngọc Huyền (26 tuổi, cùng cảnh công nhân, rồi bén duyên vợ chồng. Người vợ không nề hà gia cảnh nghèo khó của chồng vì thấy anh hiền lành, chăm chỉ làm ăn, không rượu chè, tệ nạn.
Xoay vần với khó nghèo, cơm áo, cả hai thành vợ thành chồng, chung sống và có với nhau 4 mặt con rồi mà vẫn chưa đăng ký kết hôn, chưa một đám cưới, đám hỏi như bao người.
Tuy vậy, gia đình nhỏ ấy rất êm ấm, yêu thương. Trước khi bị tai nạn, anh Phong đi làm, chị Huyền một mình ở nhà lo chuyện bếp núc, chăm sóc 4 đứa con chào đời liền tù tì. Mức lương 9-10 triệu đồng/tháng khi ấy của anh giúp cả nhà dù không dư dả nhưng cuộc sống yên bình trôi qua.
Rồi tai họa ập đến. Một bữa đang chuẩn bị cơm trưa chờ chồng về ăn, chị Huyền nghe tin Phong gặp nạn, như sét đánh bên tai.
"Lúc đó đầu óc tôi quay cuồng, nghe người ta báo anh chết rồi. Tôi vội đẩy mấy đứa con qua hàng xóm rồi tức tốc chạy đến bệnh viện", chị Huyền kể.
Đến nơi, chị thấy chồng nằm bất tỉnh, nhiều người vây xung quanh tìm cách đưa anh đi cấp cứu.
"Có lẽ trời còn thương nên cho anh sống. Nhưng anh phải cưa cả hai cánh tay, nằm viện gần 1 tháng, chữa trị hết thảy 240 triệu đồng. Nhìn chồng tôi xót lắm, rất biết ơn khi anh còn sống", chị Huyền tâm sự.
Không đủ ăn cũng vẫn ráng mà... mơ!
Mở mắt thấy trần nhà, xung quanh là y bác sĩ, anh Phong mới nhận ra bản thân vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Vẫn nửa tỉnh nửa mê sau ca phẫu thuật nhưng anh cũng đủ nhận biết việc đã mất đi hai tay.
Suốt một tháng nằm viện, anh Phong sống không bằng chết. Người thân lo lắng là một, nỗi lòng trong anh nặng trĩu gấp 10 lần. Ông bố trẻ chia sẻ, thời điểm đó anh chỉ muốn được chết, để bớt gánh nặng cho gia đình.
"Mất tay rồi, sợ không làm ra tiền nữa, còn tiêu tốn của cả nhà. Rồi con tôi đói, không được đi học thì sao, nhiều suy nghĩ ngổn ngang trong tôi lúc đó", anh Phong thẫn thờ kể.
Ngày qua ngày, anh không còn nhớ gì về vụ tai nạn nữa. Ở bệnh viện, bạn bè, anh em ngày càng vơi bớt đi, chỉ có ba mẹ và vợ con lui tới. Ngày được vào thăm, anh thấy vợ lúc nào cũng hai tay bồng hai con nhỏ, đôi mắt đỏ hoe.
"Nhìn vợ con như vậy, tôi càng thấy có lỗi hơn. Lấy nhau đã không cho vợ được đám cưới, đám hỏi nào, nay lại phải nằm một chỗ như vậy", ông bố 9X khóc nấc.
Chán nản rất nhiều, chỉ khi nghe đứa con nhỏ bi bô hỏi "Ba có sao không? Ba nhanh về với con nhé", anh Phong mới chợt tỉnh, nhận ra cần phải cố gắng nhiều hơn.
"Ông trời cho mình mạng sống rồi, các con và vợ cũng vẫn rất cần mình. Bản thân tôi còn may mắn hơn nhiều người lắm, thôi thì coi như bắt đầu lại từ đầu. Tôi phải sống, để trả ơn cuộc đời này nữa", anh Phong tâm niệm.
Dù không có tay, anh vẫn còn những bàn tay của vợ, các con nắm lấy. Anh quan niệm, vợ con không bỏ đi đã là điều đáng quý.
Xuất viện không bao lâu, anh vội nhận vé số về bán. Nói về ước mơ, anh Phong chỉ cười trừ, anh ước có lại cánh tay để kiếm thật nhiều tiền, cho các con và vợ một cuộc sống đủ đầy hơn. Lấy vợ đã hơn 4 năm, có 4 mặt con mà cả gia đình chỉ quanh quẩn với khu trọ nghèo, chưa từng cùng nhau đi đâu một chuyến.
"Tiền không có mà ăn, sao dám nghĩ tới chuyện đó. Nhưng tôi vấn... ráng mà mơ, vì thương vợ và các con quá, cùng phải chịu cảnh cơ cực thế này", ông bố nghẹn lời.