Đầu tư vào khuyến mãi, các app giao đồ ăn đối mặt thách thức phát triển không bền vững
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 09:52, 06/12/2022
Thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng và tiếp tục những xu hướng tiêu dùng mới. Google, Temasek và Bain & Company dự báo, TMĐT Việt Nam sẽ đạt 32 tỉ USD trong 3 năm tới, đóng góp lớn vào toàn bộ nền kinh tế số của Việt Nam. Đến 2025, TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD và trở thành 1 trong 3 thị trường lớn nhất khu vực. Trong đó, giao đồ ăn trực tuyến tại là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Theo Google cho thấy, cư dân số Việt Nam cũng sử dụng nhiều các dịch vụ vận tải và giao đồ ăn, với khoảng 85% người dùng.
Nghiên cứu thị trường của Q&me hồi đầu năm nay cũng cho thấy các dịch vụ giao đồ ăn trở nên ngày càng phổ biến khi có tới 83% sử dụng các dịch vụ giao hàng đồ ăn/thức uống. Trong số các khách hàng này, 77% có sử dụng ít nhất một ứng dụng giao hàng trên điện thoại. Grab, ShopeeFood, Baemin và Gojek là những ứng dụng giao nhận đồ ăn phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Jinwoo Song, Tổng Giám đốc của Baemin Việt Nam, có 3 yếu tố tạo nên sự phát triển của thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam đó là sự sẵn sàng của khách hàng; nền tảng cơ sở vật chất và công nghệ.
“Tôi nhận thấy thị trường và người tiêu dùng Việt Nam có độ sẵn sàng cao, họ bắt kịp xu hướng nhanh và sử dụng thành thạo công nghệ. Họ cởi mở với các nền văn hóa mới và luôn thúc đẩy để doanh nghiệp phải đầu tư phát triển các tính năng mới”, ông Jinwoo Song nói.
Về nền tảng cơ sở vật chất, lãnh đạo Baemin cho rằng, các ngân hàng số và nền tảng thanh toán trực tuyến, các ứng dụng có thể phục vụ khách hàng nhanh, tiện lợi hơn. Trong khi đó, lực lượng kỹ sư công nghệ tại Việt Nam đang được gia tăng đáng kể với trình độ tay nghề cao, càng giúp thị trường Việt Nam trở nên tiềm năng.
Dẫu vậy, vị này cũng nêu ra thách thức lớn nhất hiện nay đối với thị trường giao đồ ăn trực tuyến đó là sự phát triển bền vững khi thị trường hiện nay được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mãi khốc liệt giữa các ứng dụng công nghệ.
Theo đó, việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn. Nhưng điểm bất cập của việc chú trọng vào mã khuyến mãi là tạo nên một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.
“Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng. Tuy nhiên nếu người dùng gắn với ứng dụng nào chỉ vì có khuyến mãi tốt, thì họ sẽ quay lưng khi khuyến mãi không còn”, ông Jinwoo Song nói.
Trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn trực tuyến đang phát triển không ngừng, việc hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững là điều vô cùng cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cần sự tạo điều kiện từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực phát triển của mỗi doanh nghiệp TMĐT.
Về khía cạnh này, Tổng Giám đốc Baemin cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với bối cảnh thực tế. Ngoài ra, việc quy định đầu mối tập trung (cơ quan chức năng chuyên trách) cho vấn đề hoạt động với nhiều bên liên quan như đối tác nhà hàng và đối tác tài xế cũng là yếu tố cần thiết với các ứng dụng.
“Đối với các doanh nghiệp TMĐT, yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh là tập trung vào trải nghiệm của người dùng khi họ sử dụng ứng dụng, thỏa mãn nhu cầu của họ và giữ chân được người dùng ở lại với ứng dụng. Với bản chất hoạt động trong nền kinh tế số, các ứng dụng cần tận dụng và nâng cao các kỹ thuật khoa học công nghệ cao để mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp TMĐT cần có trách nhiệm xã hội và hướng đến phát triển bền vững”, ông Jinwoo Song cho biết thêm.